Đối với tôi, dù thời gian được gặp và làm việc với “chú Tư” quả thật không nhiều nhưng hỉnh ảnh về một nhà lãnh đạo kiệt xuất của ngành y tế lại rất sâu sắc và không thể phai nhòa.
Trọn cuộc đời mình Chú đã làm nên bao kỳ tích nhưng đối với tôi thì đẹp nhất và vẻ vang nhất chính là kỳ tích tổ chức và lãnh đạo kíp mổ song sinh dính Việt- Đức tại bệnh viện Từ Dũ đã thành công vang dội cho cả ngành y tế Việt nam trên khắp năm châu ở cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20.
Năm 1988, ngay sau khi ra trường, tôi được Sở y tế phân công về nhận nhiệm vụ tại khoa sơ sinh bệnh viện Từ Dũ. Trong thời gian đầu, BS trưởng khoa đã phân công tôi cùng vài thành viên khác trực tiếp chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho hai cháu song sinh dính nhau Việt – Đức. Vào lúc này, sau thời gian được điều trị viêm não ở tại Nhật Bản, tình hình sức khỏe của hai cháu còn yếu, cháu Việt do bị di chứng thần kinh nặng, sống đời sống thực vật, lại hường xuyên bị co giật nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của cháu Đức. Việc sử dụng thuốc an thần để điều trị co giật và động kinh cho cháu Việt cũng gây tác hại không nhỏ đến Đức. Ở ở cương vị là người lãnh đạo cao nhất của ngành y tế thành phố, mặc dù phải dành thời gian để giải quyết rất nhiều khó khăn của cả ngành y tế, đang trong điều kiện khó khăn thiếu thốn mọi bề, nhưng với tấm lòng nhân ái cao cả “Chú Tư Trung” đã không quên theo dõi, quan tâm đến tình hình sức khỏe Việt – Đức khi hai cháu được nuôi dững tại BV Từ Dũ. Với tình thương bao la ông đã cùng BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, BS Tạ Thị Chung, ban GĐ bệnh viện Từ Dũ lập kế hoạch để tập hợp nguồn nhân lực, trang thiết bị của ngành Y tế, cùng hợp tác với Hội chữ thập đỏ Nhật Bản để quyết tâm tách đôi hai cháu với mong muốn là Đức sau khi được tách rời sẽ có sức khỏe tốt hơn và sẽ có đời sống riêng tương đối bình thường.
Có thể nói rằng vào thời điểm lúc đó, khi cả đất nước và thành phố ta đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất về mọi mặt do tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.Ngành y tế lúc đó đang gặp nhiều thách thức lớn, vừa có khó khăn về cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất cũng như thuốc men trang thiết bị. Vì vậy việc quyết định tiến hành mổ tách rời 2 cháu song sinh Việt - Đức ngay tại bệnh viện Từ Dũ là một quyết định mang đầy tính nhân văn nhưng cũng rất táo bạo vì có rất nhiều nguy cơ. Tuy nhiên vì mục tiêu cao cả là phải quyết tâm giành lại cuộc sống cho Đức, với uy tín và tấm lòng nhân ái của mình Chú Tư đã cùng với Ban giám đốc Bv Từ Dũ vượt qua mọi khó khăn để đứng ra tập hợp được những chuyên gia y tế đầu ngành giỏi nhất lúc đó trong nhiều chuyên khoa khác nhau. Đó chính là ê kíp gồm 70 y bác sĩ mổ tách rời hai cháu ngày 04/10/1988 cùng đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, y tá đã chăm sóc hai cháu Việt - Đức sau mổ.
Tôi nhớ mãi những ngày tháng 8 năm 1988, để chuẩn bị cho cuộc mổ, dù rất bận công việc nhưng chú Tư vẫn tranh thủ đến thăm hai cháu tại khoa sơ sinh BV Từ Dũ mỗi khi có thể, chú thường hỏi rất kỹ không những chỉ về tinh hình sức khỏe mà còn quan tâm đến cả việc ăn ngủ, dinh dưỡng và tình trạng co giật do cơn động kinh của Việt. Từ đó ông đã chỉ đạo rất kịp thời các buổi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành ở nhiều lãnh vực khác nhau. Trong thời gian này tôi cùng các đồng nghiệp dù rất háo hức chờ đợi cuộc mổ nhưng cũng rất lo lắng vì tình hình sức khỏe hai cháu thường không ổn định.
Ngày 3 tháng 10 năm 2008, tôi cùng hơn 10 đồng nghiệp khác của BV sang trung tâm tryền máu huyết học để hiến máu tươi, chuẩn bị cho cuộc mổ vào sáng hôm sau.
Ngày 4 tháng 10 năm 2008, vì là bác sĩ trực tiếp theo dõi, chăm sóc hai cháu, tôi được ban giám đốc và BS trưởng khoa phân công trực tiếp cùng một số các BS, NHS đẩy xe đưa hai cháu từ phòng ở, băng ngang qua khoa sơ sinh để đi sang khu phòng mổ. Tôi nhớ như in là Chú Tư luôn đi sát hai cháu. Khuôn mặt chú toát lên sự quyết tâm nhưng cũng không giấu được sự lo lắng: chú lo cho sự an toàn của hai cháu và những khó khăn sắp đến trong và sau cuộc mổ.
Khi đến cửa phòng mổ, một kỷ niệm và cũng là một bài học mà tôi không bao giờ quên đó là việc chú Tư nhắc tôi “ cái mũ của cháu bị rách ở phía sau nên nếu cháu muốn vào phòng mổ thì phải đi thay cái mũ khác”, quả thật lúc đó tôi hơi bị “ quê” vì bị chú nhắc nhở trực tiếp nhưng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành ngay và không vào phòng mổ.
Có thể nói ca mổ Việt Đức là một sự kiện lớn không những chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Với vai trò lãnh đạo cao nhất của ngành y tế thành phố, Chú Tư đã tạo nên thành công vang dội khi đứng ra tổ chức và chỉ huy ca mổ lịch sử tách đôi cặp song sinh dinh nhau Việt - Đức, quy tụ gần 70 chuyên gia tên tuổi đầu ngành, ngay trong giai đoạn ngành y tế Việt Nam đang rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ca mổ đã được tiến hành trong hơn 15 giờ liên tục, đây là là ca mổ tách đôi cặp song sinh dính rất phức tạp theo đánh giá của các chuyên gia y học của cả thế giới lúc bấy giờ. Thành công này đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness, đánh dấu tài năng và sự hợp tác quốc tế hiệu quả dựa trên tinh thần nhân văn sâu sắc cũng như khả năng chuyên môn tuyệt vời của đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam, làm thay đổi hoàn toàn sự nhìn nhận không đúng trong mắt của nhiều người về khả năng của ngành y tế nước ta ở giai đoạn đương thời.
Thật trìu mến biết bao khi Đức gọi Chú Tư là “ông ngoại”, cô Hai Chung là “ bà nội”, Cô Phượng là “ má” …những người anh hùng lao động, đã có công lớn khi lãnh đạo thành công toàn thể kip mổ, kíp chăm sóc sau mổ để Đức có được cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp như ngày hôm nay.
Thấm thoát hai mươi năm trôi qua, tuổi đời chú càng cao thì thành tựu của chú càng nhiều, càng có nhiều trẻ em và bệnh nhân được cứu sống. Bản thân tôi đã có một vài lần được vinh dự cùng giao lưu với thanh niên, học sinh bên cạnh Chú Tư, những lời chú căn dặn về “Tâm – Đức – Tài” cũng như “tính chuyên nghiệp trong nghề Y” đã thực sự là lời giáo huấn sâu sắc cho từng BS như chúng tôi.
Đầu năm 2013, tôi được lãnh đạo thành phố phân công về công tác tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngôi trường mà cách đây hơn 24 năm chính Chú Tư là người đã sáng lập ra và cũng là người hiệu trưởng đầu tiên mà chúng tôi vẫn thường nói chú chính là “cha đẻ” của trường bên cạnh Viện tim và một số bệnh viện chuyên khoa khác. Dù đã bước vào tuổi 85, lứa tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng chú vẫn hàng ngày đến trường, đi họp, đi chỉ đạo hội nghị với sự khiêm tốn và sáng suốt hiếm có. Chú vẫn đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm “ liên bộ môn sức khỏe cộng đồng” để không ngừng đào tạo ra biết bao thế hệ BS “ vừa hồng vừa chuyên” phục vụ tốt cho việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Chỉ vài tuần mới đây thôi, chúng tôi đã bàn với chú về việc chọn ngày truyền thống và việc tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường , nơi mà chú đã tâm huyết và gắn bó đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Tin sét đánh đến với chúng tôi vào chiều thứ 7 ngày 22 tháng 6, Chú Tư vừa đột ngột ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng chí, học trò và toàn thể nhân dân.
Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày sinh nhật thứ 85 của của chú và cũng chỉ còn vài tháng nữa là đến dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ngôi trường mà chính chú đã sinh ra. Làm sao tin được rằng ngày đó thì VSTS Dương Quang Trung, Thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, vị lãnh đạo kính yêu bình dị thân thương trọn đời nhân ái của tất cả chúng ta đã không còn nữa…
Chú ơi, có nỗi đau nào lớn hơn khi hàng chục ngàn người đến tiễn biệt và đưa chú đến nơi an nghỉ cuối cùng. Có thể nói chú chính là vị cứu tinh cho cả ngành y tế thành phố trong những thời điểm khó khăn nhất. Hàng chục vạn bệnh nhân ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển cũng như bao thế hệ học trò của chú sẽ nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của người ông, người thầy, người lãnh đạo ngành y tế kiệt xuất mà vô cùng bình dị với tấm lòng nhân ái bao la. Chúng con nguyện sẽ hết lòng hết sức phấn đấu để tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở mà chú chưa kịp thực hiện.
Cầu mong hương hồn chú được ra đi thanh thản cùng bao đồng chí đồng đội nơi cõi vĩnh hằng và hãy tin vào các thế hệ tương lai.
ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, ngày buồn tháng 6 năm 2013
PGS TS Ngô Minh Xuân