"Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” - những câu hát mộc mạc, giản dị ghim sâu vào lòng người về vẻ đẹp hùng vĩ của nước non Cao Bằng.
Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi. Ảnh: Bách Hợp.
Mỗi lần đến thác Bản Giốc, cảm nhận của du khách lại hoàn toàn mới. Người ta nói rằng, vẻ đẹp của thác Bản Giốc chia thành 2 mùa khác nhau là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9, nước đổi màu đỏ rực, dữ dội, tung những bọt trắng xóa tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, nước trong xanh, yên ả. Ảnh: Mạnh Vương.
Cao Bằng lúc nào cũng vậy, sự dữ dội, hùng vĩ luôn đan xen với nét thơ mộng, hiền hòa. Đối với những người ưa mạo hiểm, thích ngắm nhìn những cảnh hùng vĩ, oai hùng của thiên nhiên thì mùa mưa, mùa nước đổ tại thác Bản Giốc là một trải nghiệm nên có trong cuộc đời. Ảnh: Hữu Thông.
Theo nhiều người, khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 9 đến tháng 12, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Đầu tháng 12, hoa tam giác mạch, hoa dã quỳ nở khắp núi rừng. Ảnh: Trần Phương.
Thác Bản Giốc được chia thành 2 nhánh. Nhánh lớn với độ cao thấp, chảy qua từng bậc đá vôi thấp. Nhánh còn lại nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, chảy hiền hòa giống như mái tóc của thiếu nữ. Ảnh: Phạm Cương.
Hình ảnh những cọn nước đặc trưng của người dân miền núi phía Bắc. Ảnh: Hữu Thông.
Đến với thác Bản Giốc, du khách có thể ngồi trên những chiếc bè nổi du ngoạn trên sông Quây Sơn. Ảnh: Tuấn Anh.
Dải lụa xanh ngọc là đặc trưng của Bản Giốc mùa thu. Ảnh: Tuấn Anh.
Trên sông Quây Sơn, người dân Cao Bằng tranh thủ đánh cá khi mùa nước về.
Màu lúa vàng thay cho biển xanh. Ảnh: Ngô Đức Mích.
Nắng chiều Bản Giốc lại càng tôn nên vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của đất trời biên cương. Ảnh: Tuấn Nhã.
Vấn đề chủ quyền
Thác Bản Giốc, mà Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên-Bản Ước, là một hoặc hai thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng ; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Có dư luận cho rằng toàn bộ hai phần thác Bản Giốc vốn thuộc về Việt Nam và đã bị mất cho Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Vũ Dũng khẳng định rằng thông tin đó hoàn toàn không có cơ sở, rằng Công ước Pháp-Thanh 1887 và Hiệp định 1999 đều quy định đường biên giới khu vực này chạy theo trung tuyến dòng chảy sông Quế Sơn (Quây Sơn), lên thác và tới mốc 53 phía trên. Nghĩa là, phần thác phụ hoàn toàn nằm bên phía Việt Nam, phần thác chính có một phần thuộc Trung Quốc.
Trong Biên bản phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh ngày 31/5/1892 ghi rõ "Từ điểm này, đường biên giới chạy theo chính giữa (trung tuyến) dòng sông cho đến thác Ta Tung". Do cùng căn cứ vào lời văn mô tả này nên khi vẽ đường biên giới chủ trương Việt Nam và Trung Quốc đều vẽ trùng nhau, từ giữa dòng sông Quây Sơn đến chính giữa ngọn thác chính. Hai bên chỉ tranh chấp ở phần phía trên đỉnh thác, nơi có hai dòng chảy ôm lấy cồn Pò Đon (Pò Thoong) mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều muốn nhận là lãnh thổ của mình. Nguyên nhân tranh chấp là do trong Công ước Pháp Thanh 1887 và 1895, cùng những biên bản bản đồ kèm theo không mô tả cụ thể khu vực này. Cuối cùng, năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý đường biên giới từ mốc 53 cũ đi qua cồn Pò Thoong, rồi đi tiếp đến chính giữa mặt thác chính của thác Bản Giốc, sau đó đi theo trung tuyến của dòng chảy chính của sông Quây Sơn. Như vậy, 1/2 thác chính của Bản Giốc cùng toàn bộ phần thác phụ và một 1/4 cồn Pò Thoong thuộc về Việt Nam, trong khi nếu theo nguyên tắc quốc tế thì toàn bộ cồn này phải thuộc về Trung Quốc vì dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam.
Nhiều người nghi ngờ Việt Nam nhường thác cho Trung Quốc đã viện dẫn các tư liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, thậm chí cả Sách Trắng của Bộ Ngoại giao công bố vào những năm 1970 để khẳng định rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam. Nhưng những tư liệu mà họ nêu ra lại không phải là bộ phận của Công ước Pháp-Thanh 1887, Công ước Pháp-Thanh 1895 mà Việt Nam và Trung Quốc lấy làm căn cứ pháp lý duy nhất để đàm phán xác lập đường biên giới mới.
Nguồn: www.zing.vn
----------------------
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Ban chấp hành Hội Y học Tp.HCM nhiệm kỳ VIII".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến banchaphanhhoiyhoc8+unsubscribe@googlegroups.com.
Để đăng lên nhóm này, hãy gửi email đến banchaphanhhoiyhoc8@googlegroups.com.
Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/banchaphanhhoiyhoc8/CAKuDX64OCHaqtN6-Oe41nUUTDKFYixZAFy_TeXC5-Ex_Q8pa0w%40mail.gmail.com.
Để có thêm tùy chọn, hãy truy cập https://groups.google.com/d/optout.