Sáng 25.2, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) chính thức đưa vào hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình. Đây là trường học đầu tiên tại Việt Nam thành lập phòng khám bác sĩ gia đình để điều trị bệnh và làm nơi thực hành cho sinh viên của trường.
Phòng khám bác sĩ gia đình, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) chính thức hoạt động vào ngày hôm nay (25.2)
Phòng khám bác sĩ gia đình, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngoài công việc chính là khám chữa bệnh y học gia đình, còn là nơi thực hành cho sinh viên bộ môn y học gia đình của trường. Đây là trường học đầu tiên tại Việt Nam mở phòng khám bác sĩ gia đình.
Theo PSG-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phòng khám bác sĩ gia đình của trường có đầy đủ các dịch vụ khám như: nội tổng quát, nội tim mạch, nội thần kinh, tai mũi họng, nhi khoa, sản phụ, chăm sóc sức khỏe tại nhà, siêu âm, x.quang, điệm tin đồ... đặc biệt có điều trị âm ngữ trị liệu.
Riêng về đội ngũ khám chữa bệnh tại phòng khám bác sĩ gia đình ở đây, bác sĩ Hiệp cho biết đều là những bác sĩ giàu kinh nghiệm của trường được đào tạo chuyên nghiệp, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt phòng khám bác sĩ gia đình của trường còn được hỗ trợ, tư vấn của các giáo sư đến từ Đại học Y khoa Liège (Vương quốc Bỉ) , Đại học Y khoa Boston (Hoa Kỳ), Đại học Y khoa Flinder (Úc)...
Tại đây, mỗi bệnh nhân sẽ do 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng đảm trách. Bệnh nhân được quản lý thông qua mã số và thẻ khách hàng, không cần sổ khám bệnh. Thông tin bệnh nhân ở các lần khám trước được bác sĩ truy cập qua hệ thống bệnh án điện tử. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ gia đình tư vấn và chữa trị với một phương pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất.
“Mỗi bệnh nhân sẽ được lập một bệnh án điện tử lưu trữ tất cả các thông tin liên quan đến bệnh tật từ lúc bắt đầu được theo dõi đến khi cuối đời. Bác sĩ ở đây sẽ tạo mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa bác sĩ với bệnh nhân, giống như “bác sĩ riêng”, có thể biết hết bệnh tật, sức khỏe, tâm lý, thói quen, lối sống, yếu tố nguy cơ của từng người bệnh. Qua đó bác sĩ gia đình có thể đưa ra kế hoạch phòng ngừa và điều trị cụ thể, hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
“Khi cần chuyển bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ gia đình sẽ cân nhắc và đưa quyết định”, bác sĩ Hiệp nói.