Một trăm hai mươi tám mùa sen bất diệt đã làm nên một lãnh tụ thiên tài của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam .
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh đã sớm hấp thụ truyền thống văn hóa của dân tộc mà giá trị tập trung nhất là lòng yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, tinh thần khoan dung nhân ái, cố kết cộng đồng... Chính nền văn hóa ấy là một cội nguồn hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và là một nguồn gốc hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong một phiên họp tại chiến khu Việt Bắc...
Rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn cách mạng, trong tư tưởng lớn của một trí thức yêu nước, trong tư tưởng có tính xuyên suốt của Bác, Người coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người nêu rất rõ về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Vì vậy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, hoàn thành vào tháng 10/1947, Người đã phân tích sâu sắc những vấn đề cơ bản của công tác cán bộ.
Trong đó, Người chỉ rõ: Cần phải huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận cho cán bộ; phải biết dạy cán bộ và dùng cán bộ, tức là phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng và phải giữ gìn cán bộ; việc lựa chọn cán bộ phải chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, luôn luôn quan hệ mật thiết với dân chúng, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ đúng kỷ luật.
"Sửa đổi lối làm việc" nêu rõ: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sách đã dẫn, tr.273)…
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần đi công tác tại chiến khu. Ảnh tư liệu
Trong quá trình làm việc, Người cũng từng khái quát: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; Người cũng chỉ dặn: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”.
Nặng lòng với dân với nước, với tư tưởng cốt lõi của công tác cán bộ chính là con người, ngay cả trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Những lời dặn dò của Bác luôn có giá trị thời sự đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Như một sự trùng hợp ý nghĩa, kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này đúng vào dịp Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vừa thành công tốt đẹp. Hội nghị đã bàn một trong những vấn đề hết sức quan trọng của Đảng là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải là cán bộ có tư duy tầm chiến lược; nắm bắt được cục diện để hoạch định chiến lược có tính dài hạn và cốt lõi; phải hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm toàn diện, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm nhằm tạo ra đột phá trong phát triển; biết hiện thực hóa tư duy thành hành động mang tính thuyết phục cao, có khả năng truyền cảm hứng và đặc biệt phải biết cách dùng người, nhất là các chuyên gia giỏi, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng; đặc biệt phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, có khả năng tự kiểm soát bằng đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Và từ nhiều thập kỷ nay, đối với người Việt Nam và bầu bạn thân thiết trên thế giới, ngày 19/5 hằng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng, một ngày trọng đại, có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Bác đã đi xa nhưng cuộc đời của Người mãi là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Người không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc về văn hóa, sáng tạo ra một nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng Việt Nam, kiến tạo ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nền văn hóa dân tộc, mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hằng ngày của Người là hiện thân của nền văn hóa Việt Nam, là mẫu mực của con người Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Thời gian càng lùi xa chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi.
Tháng 5 nhớ Bác trong trọn vẹn kính yêu, của niềm tin dân tộc!
Minh Nam