Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND và ngành y tế tỉnh Phú Thọ trong ngày hôm nay, 10/12.
Làm tốt dự phòng, mô hình bệnh tật sẽ thay đổi
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Hồ Đức Hải – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ báo cáo những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực y tế của tỉnh này và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tựu mà Phú Thọ đã phấn đấu đạt được. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện Phú Thọ mới chỉ tập trung vào khâu điều trị chứ chưa thực sự chú ý tới phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở.
“Chúng ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế cơ sở là khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nếu làm tốt khâu này, mô hình bệnh tật sẽ thay đổi, sẽ không còn có chuyện bệnh viện quá tải như hiện nay”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng đã gợi mở cho ngành y tế tỉnh Phú Thọ một số vấn đề để làm thế nào thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như cần quan tâm và đầu tư hơn nữa vào mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở; vận động toàn dân mua bảo hiểm y tế (BHYT), phải làm sao để người dân nhận thức được mua BHYT là có lợi.
“Y tế cơ sở, y tế dự phòng phải lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người từ khi còn nằm trong bào thai. Từ đó, sẽ theo dõi sát sao hơn sức khỏe của từng người dân, nhắc họ đi khám sức khỏe định kỳ, tư vấn cho họ đi bệnh viện nào với từng loại bệnh cụ thể, từ đó kết nối với các tuyến trên sẽ rất tiết kiệm thời gian, như kiểu có bác sĩ riêng. Làm như vậy rất khoa học, bệnh viện tuyến trên chỉ cần xem hồ sơ là biết được người này tiểu sử sức khỏe, bệnh tật ra sao từ đó sẽ có phương pháp điều trị chính xác hơn” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Vẫn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để thực hiện tốt nội dung trên, mỗi y, bác sĩ sẽ phải quản lý, theo dõi sức khỏe cho một số lượng người dân nhất định.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Ở Nhật Bản, người dân được theo dõi, quản lý sức khỏe từ khi còn trong bào thai. Họ làm khâu y tế dự phòng rất tốt, sức khỏe họ được cải thiện rất đáng kể, chứ không đợi có bệnh nặng mới đi chữa trị như một bộ phận không nhỏ người dân ở ta hiện nay”.
Kinh phí không phải là vấn đề quá khó!
Phản hồi những ý kiến của Phó Thủ tướng, ông Hồ Đức Hải cho rằng rất khó để triển khai do khó khăn về nguồn kinh phí. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có mặt tại buổi làm việc lại cho rằng, việc này không quá khó, nếu tỉnh Phú Thọ quyết tâm thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện được việc trên, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ và ngành y tế tỉnh này phải ngồi lại để cân đối nguồn kinh phí thu được từ bảo hiểm, sau đó ưu tiên đầu tư vào tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng thì sẽ làm được, bởi cuối cùng dòng tiền vẫn “chảy” vào lĩnh vực y tế.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn 22% người dân chưa có BHYT, nguyên nhân một phần do người dân chưa thấy được lợi ích của bảo hiểm y tế. Do đó, nếu BHYT thực hiện chi trả cho tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân như nói ở trên, từ đó họ thấy lợi ích sẽ tự tham gia bảo hiểm.
“Quốc tế đánh giá khá cao y tế Việt Nam, tuy nhiên có 2 vấn đề tôi thấy vẫn không yên tâm đó là, nước ta tỷ lệ còi do suy dinh dưỡng còn rất cao và tuổi thọ trung bình có tăng lên khoảng 75,6. Tuy nhiên thọ nhưng lại sống trong ốm yếu, đủ các loại bệnh. Do đó, tôi mong Phú Thọ hãy là địa phương tiên phong thực hiện làm tốt công tác y tế cơ sơ, y tế dự phòng như tôi nói ở trên” – Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Sau khi nghe những ý kiến chỉ đạo nói trên của Phó Thủ tướng, ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã hứa sẽ giao ngành y tế xây dựng đề án thực hiện ngay việc này. Đồng thời, ông Châu đã hứa với Phó Thủ tướng, người dân toàn tỉnh Phú Thọ sẽ sớm có sổ theo dõi, quản lý sức khỏe như những gợi mở của Phó Thủ tướng như người dân có bác sĩ riêng.
Nguyễn Dương