Nỗi sợ mang tên “xuất toán” bảo hiểm y tế


Một bệnh nhân đang chụp X-quang tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Hoàng Nhung

(TBKTSG) - Thông tin về việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phát hiện và từ chối chi trả trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán của các cơ sở y tế với số tiền gần 3.000 tỉ đồng do chi sai đã khiến nhiều bệnh viện và bác sĩ có chung một nỗi sợ mang tên “xuất toán” bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2016 Quỹ BHYT bội chi hơn 5.000 tỉ đồng và tình trạng lạm dụng quỹ ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2017, các cơ sở y tế đã thanh toán sai với số tiền gần 3.000 tỉ đồng do không đúng thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc...

Bác sĩ sợ xuất toán BHYT
Một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện công ở quận 10 TPHCM chia sẻ, phác đồ điều trị của Bộ Y tế đang làm khổ ông và đồng nghiệp vì viết chưa được chuẩn. Ông dẫn ví dụ chỉ định đặt ống Sonde tiểu mà ghi “thông đái” sẽ được bảo hiểm trả tiền, còn ghi “thông tiểu” thì không được trả tiền... Ông kể các bệnh viện bây giờ đã quá quen với cảnh mỗi tháng bác sĩ và điều dưỡng phải dành vài buổi không làm công việc chuyên môn để lên phòng giám định BHYT giải thích việc chỉ định cận lâm sàng và thuốc điều trị. Có người bước ra khỏi phòng giám định này mặt cắt không còn giọt máu, bởi họ đang đối diện với nguy cơ đền tiền, thậm chí bị kỷ luật nặng... vì đã không thuộc quy định kê toa, xét nghiệm của cơ quan BHYT.

Bác sĩ Phan Văn Hoàng, khoa Tiết niệu của Bệnh viện Bình dân TPHCM, đã từng phải thốt lên: “Tôi ước gì bác sĩ, y tá chỉ lo chuyên môn cho bệnh nhân mà không bận tâm đến BHYT như hiện nay. Các thủ tục BHYT làm tiêu hao rất nhiều năng lượng và thời gian của nhân viên y tế”. Theo ông chính vì áp lực phải công khai trang thiết bị vật tư sử dụng cho bệnh nhân, bệnh án bây giờ giống như cái... rừng chữ nghĩa. Ví dụ, ngày xưa bên cột ghi thuốc và các y lệnh bác sĩ chỉ ghi: thuốc và y lệnh. Bây giờ chỉ làm cái thủ thuật nhỏ xíu phải ghi “đã sử dụng một cọng chỉ Silk, đã sử dụng cái găng tay, đã sử dụng cái ống thông oxy, cái bao nước tiểu bị xì phải thay cái bao nước tiểu mới, thở oxy từ mấy giờ đến mấy giờ...”. Riết rồi cái bệnh án không còn nặng chuyên môn mà chi chít những câu chữ của bác sĩ để đảm bảo không thất thoát tiền bạc. Nhiều bác sĩ đang khám chữa bệnh tại TPHCM cho biết, hiện nay họ đang mất hơn 60% thời gian cho các thủ tục, giấy tờ hành chính - một công việc đòi hỏi họ phải cẩn trọng - vì nếu viết sai hoặc chỉ định thuốc khác với thuốc chỉ định trong phác đồ điều trị thì BHYT sẽ xuất toán, bác sĩ phải đền tiền.

Trong cuộc họp thường kỳ với báo chí vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã đưa ra dẫn chứng về việc trục lợi, “một phim X-quang có thể chụp cả cánh tay, xương khớp vai và xương đòn, nhưng thực tế bệnh viện đã tách ra làm ba dịch vụ”... “Từ cẳng chân đến gót chân có dài bao nhiêu đâu, nhưng bệnh viện tách ra chụp cẳng chân, cổ chân và gót chân riêng, thu trên 300.000 đồng phí dịch vụ”. Dẫn chứng này đã làm cho nhiều bệnh viện và bác sĩ giật mình!

Bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic - Hòa Hảo, cho rằng việc chụp cánh tay, xương khớp vai, xương đòn là các chỉ định chụp khác nhau, vùng khảo sát khác nhau, tư thế chụp khác nhau. Tương tự như vậy, chụp cẳng chân, cổ chân và gót chân là các chỉ định chụp khác nhau. Các chỉ định này do bác sĩ lâm sàng đưa ra yêu cầu và phòng X-quang thực hiện theo. Đây là những dịch vụ đã được phân loại theo Quyết định 3465/QĐ-BYT về danh mục dịch vụ kỹ thuật của Bộ Y tế ban hành.

Cần Hội đồng tư vấn Y khoa

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho rằng việc lạm dụng, chiếm dụng quỹ BHYT là có. Thời gian qua đã có nhiều bác sĩ, dược sĩ bị khởi tố, bị ngồi tù,... nhưng những sự việc đó không đại diện cho tất cả ngành y. Người giữ quỹ phải lo giữ hầu bao để không thất thoát quỹ, đó là nhiệm vụ của họ. Tuy nhiên, không vì thế mà làm khó bác sĩ, bóp nghẹt bác sĩ trong việc kê đơn chỉ định khiến hai bên phải đối đầu nhau. Theo ông, bác sĩ điều trị không được hưởng gì từ việc chỉ định cho bệnh nhân chụp chiếu nhiều, không có phần trăm hoa hồng nào trong đó, bác sĩ chỉ khám chữa bệnh và lãnh lương nhà nước, vì thế quy tất cả việc lạm dụng, chiếm dụng quỹ cho bác sĩ là không đúng.

Theo bác sĩ Nam Anh, người giám định BHYT ở các bệnh viện hiện nay không hiểu sâu và rộng về y khoa dù họ cũng tốt nghiệp ngành y. Ngành y không ngừng phát triển, nghiên cứu năm nay đưa ra là đúng nhưng sang năm có khi phải xem lại, kỹ thuật cũng phát triển rất nhanh chính vì thế nhà quản lý BHYT và người giám định phải kịp thời cập nhật kiến thức để không lạc hậu với sự phát triển của ngành và chia sẻ với các bác sĩ.

Một bác sĩ chuyên khoa Thận niệu ở một bệnh viện kể: “Đầu năm 2017, cán bộ BHYT có nói với tôi rằng, bệnh nhân sỏi thận phải chụp phim X-quang tiêm thuốc (UIV), việc một số bệnh viện cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính liều thấp là không thể chấp nhận, BHYT sẽ xuất toán. Các đồng nghiệp của tôi đã toát mồ hôi hột, bởi mỗi ca chụp cắt lớp vi tính như thế, tính theo giá quy định trong Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC, là 536.000 đồng. Một bệnh viện lớn có thể chụp đến vài chục ca mỗi ngày, nếu bị xuất toán tiền tỉ sẽ bốc hơi trong chớp mắt. Tôi đã giải thích với cán bộ BHYT rằng chúng tôi đang làm theo Hướng dẫn Bệnh lý sỏi tiết niệu của Hiệp hội Niệu khoa châu Âu năm 2015 (Guidelines on Urolithiasis 2015 - European Association of Urology). Theo đó, để chẩn đoán bệnh lý sỏi tiết niệu, thì kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu liều thấp là “nấm mồ” chôn của kỹ thuật chụp UIV cổ điển. Rất may, sau khi nghe tôi giải thích, người đó đã đồng ý không xuất toán số tiền chụp cắt lớp vi tính trong suốt hơn hai năm qua. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp được những người biết lắng nghe và chia sẻ như vậy”!
Nhiều bác sĩ cho rằng nếu có cuộc tranh luận chất lượng giữa bác sĩ và nhà quản lý, giám định y tế thì có thể số tiền 3.000 tỉ xuất toán của BHYT trong bốn tháng vừa qua sẽ giảm đáng kể.

Bác sĩ Nam Anh nhận định việc Bộ Y tế tự soạn ra những phác đồ điều trị hoặc chỉ giao cho một số bệnh viện soạn thảo riêng phác đồ điều trị cho từng loại bệnh là hoàn toàn không mang tính đại diện và được ứng dụng rộng rãi trong ngành y Việt Nam. Việc ngành bảo hiểm bắt buộc các bác sĩ phải sử dụng những phác đồ điều trị này và sử dụng thuốc theo đó là điều không hợp lý! Theo ông, để có phác đồ điều trị chung cho từng loại bệnh một cách hoàn chỉnh trên cả nước, ngành y tế cần phải có hội đồng tư vấn y khoa. Hội đồng sẽ tập hợp các chuyên gia, giáo sư cũng như những nhà chuyên môn của nhiều bệnh viện để cùng nghiên cứu và đưa ra những phác đồ điều trị, loại thuốc nào cần ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân nào, trong trường hợp nào... “Hiện nay, cuốn phác đồ điều trị mà Bộ Y tế xuất bản vừa xem qua đã thấy cũ kỹ, lạc hậu”, ông nhận xét.

Đã có không ít ý kiến cho rằng nếu Bộ Y tế chỉ giao riêng cho một vài bệnh viện viết phác đồ điều trị sẽ không loại trừ trường hợp các công ty dược đứng đằng sau tác động.

Bác sĩ trưởng khoa một bệnh viện tại Hà Nội bức xúc nếu bác sĩ nào cũng sợ từ “xuất toán” thì chắc chắn một điều rằng họ sẽ không dám theo đuổi đến cùng việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, thậm chí không dám duyệt BHYT các kỹ thuật, biện pháp chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Người thiệt cuối cùng vẫn sẽ là người bệnh, không được hưởng những thứ mà đáng ra họ được nhận. “Đã đến lúc cơ quan BHYT cần hiểu rõ những việc chúng tôi làm, hiểu rõ người bệnh, để cùng với chúng tôi hỗ trợ người bệnh, thúc đẩy ngành y và xã hội phát triển”, ông nói. 

Nguồn : http://www.thesaigontimes.vn/160793/Noi-so-mang-ten-xuat-toan-bao-hiem-y-te.html