Nhiều bác sĩ tuyến trên đã được đưa về tuyến cơ sở tham gia khám, chữa bệnh cho người dân.
Đưa các dịch vụ y tế kỹ thuật cao về tận cơ sở là để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV) tuyến trên. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp có hàng loạt biện pháp quyết liệt, góp phần giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh tại tuyến cơ sở.
Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND huyện Củ Chi thực hiện ký kết triển khai hoạt động bảy khoa vệ tinh và 13 phòng khám vệ tinh của các BV thành phố tại BV huyện Củ Chi giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn đầu, Sở Y tế cử 40 bác sĩ từ các BV thành phố về hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân; đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho BV huyện Củ Chi về các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền - phục hồi chức năng, liên chuyên khoa mắt-răng hàm mặt - tai mũi họng và cấp cứu-hồi sức tích cực. Ngoài ra, tùy theo tình hình khám, điều trị bệnh tại huyện Củ Chi, các BV tuyến thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ trang thiết bị cho BV huyện Củ Chi bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đợt này, các BV: Nhi Đồng 1, Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, Da liễu, Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp… tham gia chăm sóc sức khỏe người dân tại BV huyện Củ Chi…
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, thời gian tới, sở sẽ phối hợp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp tục đẩy mạnh Chương trình luân phiên bác sĩ trẻ sau tốt nghiệp (có chứng chỉ hành nghề) về những BV tuyến quận, huyện có khó khăn về nhân lực. Sở Y tế cũng sẽ đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét, hỗ trợ chế độ thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến quận, huyện, nhất là những địa phương có khó khăn về nhân lực y tế.
Từ nay đến năm 2018, phấn đấu đưa khoảng 1.000 bác sĩ quận, huyện về trạm y tế phường, xã khám, chữa bệnh. Đến năm 2020, con số nêu trên sẽ tăng lên 2.000 người. Ban đầu, tuyến trạm sẽ thực hiện khám, chữa bệnh loại nhẹ, thông thường, sau đó từng bước tiến tới bệnh lý chuyên khoa. Sau BV quận 2 và Thủ Đức, các BV quận Tân Phú, Tân Bình khi năng lực tốt rồi cũng sẽ hướng tới hỗ trợ cho các trạm y tế, dần dần tiến đến việc hỗ trợ nhân lực cho trạm y tế của 24 quận, huyện. Tại cơ sở, người bệnh được cấp phát thuốc ngay sau khi khám bệnh và tất nhiên quyền lợi không khác gì so với khi đi khám tại BV, kể cả khám bằng thẻ BHYT.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đang khuyến khích các BV sớm triển khai quy trình “Báo động đỏ liên viện”. Trên cơ sở kết quả thực hiện quy trình “Báo động đỏ liên viện” và cấp cứu thành công nhiều ca nguy kịch tính mạng thời gian qua, Sở Y tế đã xây dựng và nâng cao hoạt động cấp cứu khẩn cấp thông qua quy trình “Báo động đỏ liên viện”, quy trình này có sự phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng giữa các ê-kíp ở nhiều BV, với sự huy động cao nhất các nguồn lực về chuyên môn, kỹ thuật của các BV tuyến cuối cho việc xử trí cấp cứu người bệnh tại BV tuyến cơ sở, quận, huyện. Hiện, các BV: Nhân Dân 115, Nhân Dân Gia Định, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Viện Tim, Truyền Máu Huyết Học đã cử 39 bác sĩ chuyên gia tham gia hỗ trợ quy trình "Báo động đỏ liên viện” của thành phố.
Tại BV quận Thủ Đức, đơn vị vừa tổ chức thực hiện ký cam kết các nội dung: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; sử dụng kháng sinh hợp lý và xây dựng BV không khói thuốc lá nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân đối với BV. Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho biết, quý I-2016, BV có tổng số lượt người bệnh khám bệnh là 251.260, đạt 100,50% so với kế hoạch; điều trị nội trú là 12.656, đạt 101,25% so với kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh 81,52% và các chỉ tiêu khác đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, BV tiếp tục triển khai thực hiện 84 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Công tác quản lý chất lượng BV và hoạt động công nghệ thông tin luôn được chú trọng và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm với nhiều đề án. BV đã triển khai hệ thống Bệnh án điện tử và chữ ký số tại các khoa thuộc khối nội; bước đầu triển khai thực hiện hệ thống PACS; thực hiện trả kết quả tự động;… và sẽ tiếp tục thực hiện các dự án khác, đưa công nghệ thông tin vào tất cả các quy trình của BV, góp phần giảm thấp nhất các sai sót chuyên môn có thể xảy ra. Đây là các giải pháp đem lại hiệu quả cao và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh. Trong quý II-2016, BV đã bắt đầu triển khai thực hiện đề án khám, điều trị và chăm sóc tại nhà. Đây là hoạt động thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và tăng cường niềm tin của người dân.
Thí điểm giải pháp quản lý công tác khám, chữa bệnh đồng bộ tại huyện Củ Chi và Cần Giờ, mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo VNPT TP Hồ Chí Minh đã thống nhất triển khai VNPT-HIS thí điểm tại BV huyện, trung tâm y tế dự phòng huyện và tất cả các trạm y tế thuộc địa bàn hai huyện Củ Chi và Cần Giờ. Với chủ trương này, đã tiến hành khảo sát toàn bộ đường truyền cáp đồng hiện hữu, nâng cấp miễn phí lên đường truyền cáp quang, tăng băng thông tối thiểu 12 Mbps cùng với các phương án dự phòng bảo đảm băng thông và hoạt động liên tục, ổn định nhằm hỗ trợ cho toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn quản lý đồng bộ và liên thông được dữ liệu khám, chữa bệnh từ xã đến huyện và sở y tế.
Như vậy, hai huyện ngoại thành (bao gồm xã đảo Thạnh An) sẽ là các huyện đầu tiên được tin học hóa toàn bộ công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn. Việc triển khai giải pháp VNPT-HIS sẽ cung cấp thông tin trực tuyến tình hình hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trên địa bàn. Giúp nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của đơn vị, quản lý được toàn bộ nghiệp vụ điều hành của cơ sở khám, chữa bệnh. Hỗ trợ công tác chẩn đoán và ra quyết định điều trị, kê đơn thuốc, xem lại các thông tin điều trị của khách hàng. Giúp cá nhân có thể xem trực tuyến lịch sử khám, chữa bệnh của bản thân, chủ động đặt lịch khám bệnh và nhận tư vấn về sức khỏe của đội ngũ bác sĩ, được hỗ trợ các thông tin về sức khỏe cá nhân, tương tác với đội ngũ khám, chữa bệnh.
Lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu UBND thành phố đẩy mạnh phân cấp cho Sở Y tế trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo BV, phân cấp cho các BV tự chủ trong việc mua sắm tài sản, trang thiết bị y tế, kể cả việc mua sắm bằng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp quản lý về tuyển dụng cán bộ y tế tại các BV để tăng tính chủ động, huy động mọi nguồn lực để phát triển. Và cũng lưu ý, nếu chỉ điều chuyển bác sĩ theo hình thức sáng ô-tô chở đi, chiều đưa về là không khả thi, cần xây nhà công vụ để các bác sĩ yên tâm ở lại làm việc, phải có lực lượng bác sĩ túc trực tại chỗ. Đề nghị Sở Y tế làm việc với các đơn vị liên quan về việc bảo đảm nguồn nhân lực cho các BV, phải đào tạo tuyển sinh để cán bộ y tế gắn bó với BV, cần đề xuất cơ chế bảo đảm cả về tinh thần, vật chất cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ...
Minh Hạnh
Nguồn : www.nhandan.com.vn