Độc đáo công nghệ xử lý nước của Nga

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam

(Thanhuytphcm.vn) - TP Saint Petersburg là một trong những địa phương có nhiều kinh nghiệm về xử lý nước ở Liên bang Nga nói riêng, châu Âu nói chung. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga từ ngày 16/5 đến 20/5/2018, Đoàn Đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM làm Trưởng đoàn đã làm việc, học tập kinh nghiệm về xử lý nước; phương pháp giáo dục ý thức bảo vệ nguồn nước, nâng cao trách nhiệm tiết kiệm nước tại Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam và Công ty Vodokanal St. Petersburg.

Phát hiện ô nhiễm nhờ…tôm

Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam của TP Saint Petersburg có nhiều nhà máy khổng lồ xử lý nước thải trước khi thải ra vịnh Phần Lan của biển Baltic. Các nhà máy này được công nhận là cơ sở sinh thái đảm bảo tiêu chuẩn ở châu Âu. Các công trình toạ lạc trên diện tích 40ha. Ngoài ra, Trạm trung tâm chiếm 57ha, trạm phía Bắc chiếm 65ha. Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam được đưa vào hoạt động ngày 22/9/2005, công trình này có giá trị đầu tư 128 triệu USD, công suất đầu ra là 1,22 triệu m3/ngày.

Theo lãnh đạo Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam, trong quá trình lọc nước từ các nguồn tại khu trung tâm, các kỹ sư của nhà máy đã sử dụng công nghệ dùng áp lực sinh học sâu và các chất phản ứng sinh học thân thiện với môi trường. Trong đó, các kỹ sư sử dụng công nghệ xử lý bằng cách cho hút hết nước trong các lớp cặn, biến thành cặn khô, sau đó đốt trong dây chuyền khép kín.

Một góc bộ phận xử lý nước của Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam Một góc bộ phận xử lý nước của Cơ sở xử lý nước phía Tây Nam

Ở Saint Petersburg, tại các nhà máy xử lý nước thải đã bắt đầu bổ sung nhiều phương tiện giám sát chất lượng nước. Hầu hết nhà máy đều sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất để xử lý nước thải. Không chỉ giám sát chất lượng nước bằng các loại thiết bị công nghệ cao, các kỹ sư còn sử dụng những “nhân viên” khác thường –đó là những con tôm. Bên cạnh các con tôm Astacus leptodactylus sống trong môi trường nước lạnh của sông Neva, tham gia quá trình giám sát chất lượng nước còn có loài tôm thẻ chân đỏ phát triển trong môi trường nước ấm ở Australia. Trong đó, các con tôm từ sông Neva chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nước vào mùa đông, còn các con tôm từ Australia phụ trách công việc này vào mùa hè. Các “nhân viên” này làm việc rất tích cực và hiệu quả. Nếu trong nước thải chứa những chất độc hại, ngay lập tức chúng phát tín hiệu báo động, nhanh hơn bất kỳ thiết bị công nghệ nào.

Con tôm có thể phát hiện các độc tố với nồng độ tối thiểu nhất. Chúng rất nhạy cảm với các hiện tượng ô nhiễm môi trường sống. Nếu trong nước xuất hiện chất độc, tôm sẽ bị rối loạn nhịp tim, nhịp tim của chúng tăng cao. Theo dõi nhịp tim của tôm là các cảm biến đặc biệt gắn vào vỏ tôm, các chỉ số hiển thị liên tục trên màn hình để các kỹ sư theo dõi. Nếu nhịp tim của tất cả các “nhân viên” tôm đều tăng đột ngột thì thiết bị phát tín hiệu báo động và các kỹ sư vào cuộc xử lý ngay.

160 “tuổi”, quản lý hơn 16.200 km đường ống

Tổng Giám đốcCông ty Vodokanal Saint Petersburg-ông Evgeny I. Tselikov cho biết,Vodokanal Saint. Petersburg là công ty nhà nước, phụ trách việc cung cấp nước sạch và các dịch vụ cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư khoảng 5,2 triệu người cùng hàng chục ngàn công ty và tổ chức. Công ty được thành lập vào năm 1858, tiền thân là Công ty Cổ phần đường ống cấp nước Saint Petersburg, có trụ sở chính tại TP Saint Petersburg. Bên cạnh chức năng cung cấp và xử lý nước, từ năm 2012, Vodokanal mở rộng sang lĩnh vực xây dựng và vận hành các trạm làm tan băng. Công ty Vodokanal Saint Petersburg có hơn 7.650 nhân viên.

Với chức năng cung cấp nước sạch, công ty quản lý hệ thống 7.200 km đường ống nước, 193 trạm bơm tăng áp, 9 nhà máy xử lý nước và 2 nhà máy xử lý nước khử trùng bằng sodium hypochlorite (javel). Về xử lý nước thải, Vodokanal quản lý hệ thống gần 8.738 km đường ống nước thải; hơn 270 km đường ống thu gom chất thải; 17 nhà máy xử lý nước thải, trong đó lớn nhất là Nhà máy xử lý nước trung tâm, Nhà máy xử lý nước phía Bắc, và Nhà máy xử lý nước Tây-Nam và 3 lò đốt chất thải. Hệ thống này giúp xử lý khoảng 98,5% lượng chất thải của TP Saint Petersburg.

Ông Evgeny I. Tselikov- Tổng Giám đốc Công ty Vodokanal Saint Petersburg cũng cho biết, công ty đang xây dựng hệ thống quản lý cấp nước tiên tiến. Saint Petersburg là thành phố đầu tiên của Nga phát triển hệ thống này, trong đó, các thông số liên quan đến việc cấp nước có thể được điều chỉnh tự động và dữ liệu lượng nước tiêu thụ có thể được ghi nhận trực tuyến.

Nhiều trẻ em Nga đang chăm chú xem các video clip tại Khu phức hợp bảo tàng Vũ trụ nước và Trung tâm môi trường Nhiều trẻ em Nga đang chăm chú xem các video clip tại Khu phức hợp bảo tàng Vũ trụ nước và Trung tâm môi trường

Với mục tiêu nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước, công ty Vodokanal đã xây dựng Trung tâm Thông tin và Giáo dục, trong đó bao gồm Khu phức hợp bảo tàng Vũ trụ nước và Trung tâm môi trường dành cho trẻ em.

Đoàn Đại biểu TPHCM chụp ảnh lưu niệm tại Công ty Vodokanal Saint Petersburg Đoàn Đại biểu TPHCM chụp ảnh lưu niệm tại Công ty Vodokanal Saint Petersburg

Tại  đây, hướng dẫn viên người Nga đã giới thiệu với Đoàn một số mô hình, các trò chơi thú vị nhằm giúp nâng cao nhận thức của trẻ về trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và cách sử dụng tiết kiệm nước. Điều này có ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt trên toàn thế giới, tình trạng khan hiếm nước sạch đã diễn ra ở nhiều quốc gia.

Ngay trong lúc Đoàn đang tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tại Công ty Vodokanal Saint Petersburg, nhiều em học sinh Nga đang say sưa nhìm vào các màn hình tivi lớn với những hình ảnh sống động, giàu tính giáo dục. Bên ngoài, hàng chục học sinh khác đang xếp hàng chờ đến lượt để vào bên trong, không khí thật háo hức.

Với phương pháp giáo dục bằng trực quan sinh động, ứng dụng công nghệ cao, nhiều ý tưởng mới mẻ, dễ thấy, dễ hiểu…, việc giáo dục, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nước sạch không chỉ có ích đối với trẻ em mà còn có nhiều ý nghĩa đối với những người trưởng thành.
 

Năm 2015, Công ty Vodokanal Saint Petersburg được nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Nga 2015 vì những thành tích trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, cũng như triển khai các phương pháp quản lý chất lượng đạt hiệu quả cao.

Công ty Vodokanal Saint Petersburg đang thực hiện một số dự án, chương trình lớn như:

-Chương trình đóng các cửa xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Neva.

-Hiện đại hóa các nhà máy xử lý nước của Thành phố.

-Xây dựng hệ thống quản lý cấp nước tiên tiến.

-Cải thiện công nghệ loại bỏ và xử lý chất thải thông qua việc xây dựng các lò đốt chất thải.

Đình Tuân

(Gửi về từ Liên bang Nga)