(Thanhuytphcm.vn).- Sáng ngày 18/5/2018 (giờ địa phương), Đoàn Đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM làm Trưởng đoàn đã thăm Chiến hạm Rạng Đông.
Cùng tham gia Đoàn có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt- Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Ngô Đức Mạnh- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga; Thân Thị Thư- Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM; Lê Thanh Liêm- Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; lãnh đạo các sở, ngành và đại diện một số cơ quan báo chí- truyền thông trung ương và địa phương.
Chiến hạm Rạng Đông là biểu tượng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Vào lúc 9h45 phút tối 25/10/1917 (theo lịch Tây là 7/11/1917, khi đó nước Nga dùng hệ lịch khác hiện nay), tuần dương hạm Rạng Đông đã bắn phát pháo đầu tiên báo hiệu lệnh tấn công vào cung điện Mùa Đông. Vào thời điểm đó, cung điện Mùa Đông là nơi chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản đóng giữ. Chỉ sau ít giờ, các lực lượng cận vệ, binh sĩ cách mạng, thủy thủ đã chiếm giữ cung điện, bắt sống toàn bộ chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Ngay trong đêm 25/10, chính quyền Xô-viết do Lê-nin đứng đầu được thành lập.
Tuần dương hạm Rạng Đông được đóng tại Saint Petersburg, hạ thủy tại cảng sông Neva vào ngày 11/5/1900. Sau đó Rạng Đông cùng hai tàu tuần dương khác cùng lớp Pallada đã được điều động để bảo vệ vùng Viễn Đông Nga.
Bắt đầu từ tháng 11/1903, Chiến hạm Rạng Đông được điều tới vùng Viễn Đông để tăng cường quân lực cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Từ ngày 9/2/1904 tới ngày 5/9/1905, Chiến hạm Rạng Đông đã tham gia cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Trong suốt trận Hải chiến Tsushima diễn ra vào tháng 5/1905, tuần dương hạm Rạng Đông đã trở thành lá chắn bảo vệ các tàu có tốc độ chậm của Nga.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chiến hạm Rạng Đông được sử dụng để tuần tra ở vùng biển Baltic. Từ chỗ là vũ khí của chế độ Sa Hoàng, sau cuộc Cách mạng Tháng 2 năm 1917, hầu hết thủ thủy trên tàu đều gia nhập đảng Boshevik.
Trong suốt cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Nga, Chiến hạm Rạng Đông đã bị phát- xít Đức săn lùng vì cho rằng đây chính là biểu tượng sức mạnh của Liên Xô. Điều độc đáo là Chiến hạm Rạng Đông vẫn tồn tại trước vô số làn đạn của phát-xít Đức.
Hiện nay, Chiến hạm Rạng Đông trở thành con tàu bảo tàng và được bảo quản kỹ lưỡng bên bờ sông Neva ở TP Saint Petersburg. Hàng năm, Chiến hạm Rạng Đông thu hút rất đông du khách Nga và du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
Ban Quản lý Bảo tàng Chiến hạm Rạng Đông đã tận tình hướng dẫn, giới thiệu với Đoàn Đại biểu TPHCM về lịch sử của Chiến hạm Rạng Đông cũng như lịch sử, văn hoá của nước Nga.
Nhiều đại biểu TPHCM cho biết rất xúc động khi được đến thăm, tham quan Chiến hạm Rạng Đông, đặc biệt là trong dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu đến Petrograd (tức Saint Petersburg), hướng tới Kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Đình Tuân
(Gửi về từ Liên bang Nga)