Sau 41 năm xây dựng và phát triển từ sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2016), TP Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển, đạt nhiều thành tựu đáng chú ý về mọi mặt của đời sống.
Trong đó, cùng với nhiều cơ hội, cả thách thức trong thời kỳ hội nhập, với vị thế là thành phố đầu tàu, mũi nhọn của cả nước, một trong những mục tiêu phấn đấu mà ngành y tế TP Hồ Chí Minh đặt ra từ nay tới năm 2020 là phải trở thành một trong những trung tâm y tế của khu vực Đông Nam Á. Chia sẻ với PV báo CAND, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cho biết như trên.
Phát triển y tế chuyên sâu, để người Việt không còn phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Theo phân tích của GĐ Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, y tế cơ sở và y tế chuyên sâu là hai mũi nhọn mà ngành y tế thành phố đang tập trung phát huy trong thời gian tới. Y tế cơ sở (quận, huyện, phường, xã) là nền tảng với nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình sức khỏe thành phố và góp phần quan trọng cho công tác giảm tải các BV tuyến trung tâm.
Do đó thành phố phải phát triển hơn nữa Y tế chuyên sâu để người dân an tâm điều trị không cần phải đi ra nước ngoài. Để được như vậy, thành phố cần có những bệnh viện chuyên khoa và đa khoa đầu ngành để phát triển những kỹ thuật cao tương đương các nước trong khu vực.
Việc đầu tư CSVC và trang thiết bị y tế hiện đại rất tốn kém, cần nguồn vốn từ xã hội hóa. Nhà nước và người dân cùng làm nhằm phục vụ người dân tốt hơn cũng như phục vụ các đối tác đến làm ăn với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang thu hút một lượng lớn Việt kiều hồi hương về đầu tư cần có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Những đôi bàn tay vàng của các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2
trong phẫu thuật ghép gan cho bệnh Nhi.
Vì thế, các bệnh viện cần cải tạo, xây dựng CSVC tốt, trang thiết bị hiện đại cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao đã có, có như vậy mới được các công ty bảo hiểm y tế quốc tế hợp tác, thành phố sẽ có nguồn thu lớn từ dịch vụ y tế đồng thời sẽ giúp ngành y tế tái đầu để phát triển hơn nữa.
Đề cập tới vấn đề tập trung nguồn lực để đạt được mục tiêu trên, Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, việc phát triển y tế thành phố không “mơ mộng” phát triển toàn bộ các chuyên ngành mà tập trung vào các chuyên ngành đã phát triển hiện nay tương đương hoặc có khả năng phát triển tương đương với các nước trong thời gian sớm để tạo động lực phát triển như: Tim Mạch với Viện Tim được đầu tư phòng mổ đạt chuẩn châu Âu; Sản phụ khoa với việc đầu tư cho hoạt động thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương; Nhi khoa thực hiện ghép tạng Nhi, hồi sức sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2; Truyền máu huyết học tập trung việc đầu tư ngân hàng tế bào gốc đạt chuẩn Châu Á, ghép tế bào gốc tạo máu tại Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học; đặc biệt lĩnh vực Ngọai khoa sẽ tập trung hơn nữa việc đầu tư “Phẫu thuật nội soi robot” tại BV Bình Dân…
Mô hình bác sĩ gia đình sẽ phát triển mạnh tại thành phố sẽ giúp người dân
tiếp cận nhanh chóng việc khám, chữa bệnh
Hiện nay, các kỹ thuật này được thực hiện tương đương các nước trong khu vực và sẽ phát triển hơn nữa các kỹ thuật chuyên sâu khác xứng tầm với các nước trong khu vực.
Về nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, hiện đã có nhiều cán bộ, y bác sĩ được gửi đi đào tạo tại các nước phát triển như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Ngoài ra, đội ngũ cán bộ y tế cũng được đào tạo trong nước ở các trường ĐH và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.
Thành phố đang đầu tư CSVC và nguồn cán bộ giảng viên cho Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch để phát triển cơ sở đào tạo này tương đương với các nước trong khu vực: Trung tâm mô phỏng huấn luyện kỹ năng tiền lâm sàng, Khu xét nghiệm kỹ thuật cao dùng trong nghiên cứu và giảng dạy, Xây dựng cơ sở 2 Viện - Trường trong giai đoạn 2016-2020 (với các Bệnh Viện chuyên khoa thực hành, giảng dạy 3.600 giường, diện tích 73 héc ta, Bệnh Viện Nhi 1.000 giường sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016).
Chương trình đào tạo Bác Sỹ 9-10 năm theo mô hình 6 năm ĐH và 3-4 năm chuyên khoa sau ĐH sẽ đảm bảo chất lượng của đội ngũ BS tương đương với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cũng hợp tác đào tạo với Đại Học Mainz của Đức (Khoa Y Việt Đức) từ năm 2013 đã đào tạo hàng năm khoảng 40-50 sinh viên theo chương trình Y khoa của Đức. Đây sẽ là đội ngũ BS đạt tiêu chuẩn Châu Âu cho Thành phố trong tương lai.
Nhiều giải pháp nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở
“Người dân thành phố được hưởng lợi đầu tiên trong khám chữa bệnh khi Y tế chuyên sâu được đầu tư, phát triển”, ông Bỉnh khẳng định.
Trong đó, việc quan trọng là nâng cao năng lực y tế cơ sở. Ngoài 3 BV đa khoa khu vực tại Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi với quy mô 1.000 giường, tất cả các BV quận huyện ở ngoại ô đang được đầu tư để phát triển thành BV đa khoa loại 1 và 2 quy mô trên 300 giường với các chuyên khoa: nội, ngoại, sản, nhi và hồi sức cấp cứu. Các BV quận ở nội thành đầu tư khám chữa bệnh ngọai trú là chính, quy mô 50-70 phòng khám (bảo hiểm y tế và bác sỹ gia đình) và số giường nội trú với 100-150 giường để lưu và điều trị bệnh nhẹ và trung bình.
Giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh-PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh.
Thành phố sẽ hỗ trợ nguồn nhân lực cho những BV quận huyện vừa xây xong CSVC với mô hình khoa vệ tinh, để tạo niềm tin cho người dân, đồng thời đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực để các bệnh viện này hoàn thiện nguồn nhân lực và tự họat động.
Hiện nay, 4 BV đã tự hoạt động tốt với tỷ lệ chuyển lên tuyến trên rất thấp, chưa đến 15%, gồm: BV Quận Thủ Đức loại 1 có quy mô 650 giường, BV Quận Bình Tân loại 2 quy mô 600 giường, BV Quận 2 loại 2 quy mô 400 giường, BV Tân Phú loại 2 quy mô 350 giường. Các BV này bắt đầu hỗ trợ nhân lực cho y tế phường xã để người dân dễ tiếp cận các dịch vụ y tế.
Trong năm 2016, sẽ đưa vào hoạt động 3 BV mới: BV Huyện Củ Chi 300 giường, BV Quận Gò Vấp 300 giường và BV Huyện Bình Chánh 500 giường… Ngoài ra, giai đoạn 2016-2018 sẽ hoàn tất đầu tư CSVC cho 24 trung tâm y tế quận/huyện và 322 trạm y tế phường, xã để đảm bảo chức năng phòng chống dịch, các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh BHYT và mô hình bác sĩ gia đình.
Huyền Nga
Nguồn : www.m.cand.com.vn