Chữa bệnh từ xa ngày càng được tối ưu hóa bằng trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra giai đoạn phát triển ngoạn mục cho nền y học tương lai.
Bác sĩ Richard Farnam chuẩn bị phẫu thuật cắt dạ con từ xa
Thế giới điện tử hòa quyện trí tuệ con người
Bệnh án điện tử, dữ liệu số hoá, chẩn bệnh từ xa…không còn lạ lẫm gì, khi hệ thống y tế từ xa “run rẩy” bước vào đời sống xã hội trong những ngày đầu thập kỷ 1970 với nhiều rào cản to lớn như: chi phí cao, vấn đề pháp lý, hệ thống băng tần… Với sức mạnh công nghệ hiện nay cùng trí tuệ nhân tạo, y học từ xa có những bước tiến rõ rệt.
Cuối tháng 4-2016, bác sĩ phụ khoa Tây Ban Nha Richard Farnam, giám đốc Khoa phẫu thuật robot, Trung tâm y tế Las Palmas, Mỹ, tiến hành ca phẫu thuật từ xa cắt bỏ dạ con.
Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ Farman và các cộng sự giới thiệu bàn chuyển động bên trong cho phép cánh tay robot và bàn phẫu thuật chuyển động đồng thời.
Bác sĩ Farman nhấn mạnh: “Cách đây ba tháng, ở Mỹ vẫn chưa có kỹ thuật này. Giường bệnh và robot kết nối với nhau và robot cảm nhận được từng chuyển động nhỏ nhất của giường bệnh, giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp”.
Ca mổ được truyền hình trực tiếp cho 200 bác sĩ của Hội nghị phẫu thuật cắt bỏ dạ con toàn cầu 2016 tổ chức tại San Diego và 7.000 bác sĩ thuộc Hiệp hội phẫu thuật nội soi phụ khoa Mỹ theo dõi.
Ngày nay, nhiều bệnh viện tại Mỹ cũng như nhiều nước phát triển khác đã có bộ phận y tế từ xa.
Tại khoa Chăm sóc đặc biệt từ xa ở bệnh viện St Louis, Mỹ, các bác sĩ ngồi trước một màn hình lớn, theo dõi và đối thoại với bệnh nhân từ xa. Các bác sĩ ngồi trước màn hình lớn, khi cần có thể phóng to để thấy rõ được từng dòng chữ nhỏ trên vỏ chai truyền dịch của bệnh nhân.
Vinaya Sermadevi, chuyên gia Chăm sóc đặc biệt từ xa, cho biết: “Điều kiện như được ngồi kế bệnh nhân. Dĩ nhiên tôi không thể trực tiếp nhồi tim bệnh nhân khi cần thiết nhưng tôi có thể ra chỉ thị cho y tá ở nơi đó”.
Theo thống kê, nhờ có khâu Chăm sóc đặc biệt viễn thông này mà các bệnh nhân giảm được 35% thời gian nhập viện và giảm 30% tỉ lệ tử vong. Tính ra, khoảng 1.000 người đã được cứu sống nhờ y tế từ xa.
Hiện ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe hiện đối mặt tình trạng thiếu nguồn lực trong việc theo dõi tình trạng sức khoẻ bệnh nhân 24 giờ/ngày. Nhưng với sự kết hợp giữa y tế từ xa Sense.ly và MindMeld - chứa đựng những tiến bộ mới nhất của AI, tạo ra các ứng dụng y khoa tân tiến, đã kịp thời dự báo và cứu nhiều bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể hỏi những câu hỏi như: "Tôi bị ù tai, cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Tôi nên làm gì?", sau đó nhận được những chẩn đoán phân biệt, các thông tin chi tiết và nơi tiếp nhận sự giúp đỡ từ một trình y tá “ảo”. Nếu cần thiết, ứng dụng Sense.ly giúp kết nối bệnh nhân với các bác sĩ - y tá “thực” qua cuộc trò chuyện video.
"Với những tiến bộ gần đây trong AI, một thế hệ mới các ứng dụng nổi lên, có thể giải thích và trả lời nhiều câu hỏi mà trước đây chỉ có thể được trả lời bởi các nhân viên y tế tay nghề cao" - Tim Tuttle, giám đốc điều hành và sáng lập Expect Labs, MindMeld, nói.
Theo thống kê mới nhất, nhờ có khâu Chăm sóc đặc biệt từ xa mà các bệnh nhân giảm được 35% thời gian nhập viện và giảm 30% tỉ lệ tử vong. Tính ra, khoảng 1.000 người đã được cứu sống nhờ y tế từ xa kết hợp với AI.
Hiệp hội y tế từ xa Mỹ ước tính trong năm qua, có 15 triệu người ít nhiều sử dụng loại hình chữa trị này. Và dự đoán, con số này sẽ tăng thêm 30% trong năm 2016.
Cứ mỗi ngày, khoảng năm đến 10 lần, 280 chuyên gia thuộc tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận được câu hỏi tư vấn từ những nơi xa xôi như Niger, Nam Sudan, hội chẩn và cùng đưa ra kết luận.
Robot hỗ trợ phẫu thuật từ xa da Vinci đang được đưa đến bàn phẫu thuật
Phát triển nhộn nhịp ở Đông Nam Á
Năm 2014, Hãng Google âm thầm mở dịch vụ cho phép những người tìm kiếm thông tin y khoa hoặc triệu chứng bệnh được gặp bác sĩ thông qua video. Người phát ngôn của Hãng Google nói với trang Gizmodo: “Mục tiêu của chúng tôi khi người dùng tìm kiếm các thông tin y khoa cơ bản như mất ngủ hoặc dị ứng thực phẩm là cung cấp những thông tin hữu ích nhất”.
Theo số liệu có được của trang mobihealths com, thị trường y tế viễn thông toàn cầu đã đạt con số rất cao 14,2 tỉ USD trong năm 2012 và ước tính đạt 39 tỉ USD vào năm 2018.
Thị trường mở này khiến y tế viễn thông phát triển mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á. Do nhiều nước trong khu vực còn thiếu thốn cơ sở vật chất và nếu hoàn thiện, đồng bộ đến những vùng hẻo lánh nhất, cần đến hàng tỉ USD.
Trong thời buổi ai cũng tiếp cận được internet và có thiết bị kết nối, y tế viễn thông đang là giải pháp để tăng dịch vụ y tế trong khu vực.
Nhiều ứng dụng đã ra đời cho phép bệnh nhân trao đổi với bác sĩ và nhận được lời khuyên cần thiết. Từ đó, nhiều dịch vụ y tế viễn thông đã ra đời, chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Tại Indonesia, hai ứng dụng Dokita và Dokter Gratis, đang hoạt động tốt trong khi vài ứng dụng khác manh nha phát triển trong khắp khu vực.
Không thể thiếu để phát triển y tế viễn thông chính là các công ty giải pháp ứng dụng. InSTEDD, một công ty có gốc từ Thung Lũng Silicon và đặt trụ sở ở Campuchia, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ để làm nền cho y tế viễn thông.
Justin Fulcher, giám đốc điều hành của Ring.MD, một công ty khởi nghiệp y tế viễn thông của Singapore và vừa được các quỹ bơm tiền đầu tư để mở rộng khắp khu vực, nhận định: “Đông Nam Á có đầy đủ yếu tố để biến y tế viễn thông thành chính thống. Hệ thống mạnh ngày một nhanh trong khi các chính phủ đều có chính sách hỗ trợ loại hình này”.
Không chỉ là giải pháp dành cho chữa trị bệnh, y tế viễn thông còn giúp ngành dược phẩm quản lý và bán hàng hiệu quả hơn. Ứng dụng mClinicap tr tậung vào việc kết nối các nhà bào chế thuốc với công ty dược và bác sĩ.
Farouk Mieralli, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của mClinica, nói: “Việc mua bán thuốc ở các nước đang phát triển luôn phải thông qua hệ thống các cửa hàng thuốc nhỏ, lẻ. Điều này khiến các công ty dược khó tiếp cận thị trường, tăng chi phí làm hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng”.
Còn thiếu tiền, công nghệ và pháp lý
Y tế từ xa giúp cắt giảm chi phí chữa bệnh. Điều này chỉ xảy ra khi hệ thống được vận hành trơn tru. Vấn đề là để y tế từ xa trở thành phổ cập, số tiền cần để đầu tư ban đầu, cho hệ thống băng thông rộng, thiết bị, nền tảng phần mềm… rất cao. Và dĩ nhiên, phí bảo trì cho toàn bộ cơ sở vật chất của y tế từ xa cũng không ít.
Nếu đường truyền internet có vấn đề hay thiếu các phần mềm quản lý tốt, bác sĩ và bệnh nhân có thể “hiểu lầm” nhau. Điều khiến nhiều người lo ngại khi dùng video điện thoại là “tiếng không khớp hình”. Nếu trong khi bệnh nhân đang khai bệnh hoặc nhận chỉ định từ bác sĩ mà xảy ra tình trạng này hay đứt mạng thì hậu quả khôn lường. Trong y khoa, một hiểu lầm nhỏ nhất cũng có thể gây chết người.
Arun Ravi, bác sĩ cao cấp của nhóm y khoa Frost & Sullivan Bắc Mỹ, nói: “Kết nối trục trặc khi hai người bạn đang trò chuyện không là vấn đề nhưng nếu điều này xảy ra giữa bệnh nhân và bác sĩ sẽ dẫn đến chẩn đoán và điều trị sai”.
Và cho dù việc khai bệnh qua video có diễn ra trơn tru, thì với một số căn bệnh, các bác sĩ cần phải trực tiếp nhìn, sờ nắn bệnh nhân mới có thể chẩn đoán chính xác.
Bỏ qua những rào cản về mặt chuyên môn, y tế từ xa còn quá mới mẻ nên vướng phải rào cản pháp lý rất lớn. Với việc cả bệnh nhân và bác sĩ đều “nặc danh”, việc cấp phép là một vấn đề lớn. Ngay tại đất nước có luật lệ chặt chẽ như tại Mỹ, các nhà làm luật vẫn đang vướng mắc để cấp phép cho các website, hãng làm phần mềm, bác sĩ… trong lĩnh vực y tế từ xa. Ngoài ra, nếu không bảo mật tốt, toàn bộ bệnh án điện tử của bệnh nhân có thể rơi vào tay kẻ xấu.
Tuy nhiên, dù có rất nhiều khó khăn trước mắt, nhưng y tế từ xa là một thị trường mở mà những ai “khai phá” sớm sẽ có được rất nhiều. Giáo sư Andrew Watson, bác sĩ phẫu thuật của Trung tâm y tế Đại học Pittsburgh, nói: “Y tế từ xa là tương lai của ngành y. Nếu các bệnh viện càng sớm giải quyết được thử thách này, họ càng sớm có được lợi thế’.
Hôm nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) phối hợp cùng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Tương lai của Y học: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Y tế từ xa” tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM.
Tại hội thảo này, các chuyên gia về Y khoa, Công nghệ thông tin, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật... sẽ trình bày những nghiên cứu mới nhất về Y tế từ xa, ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo, kinh nghiệm triển khai thực tiễn.
Đặc biệt trong số khách mời có chuyên gia Richard Chuang, người đã hai lần đạt giải Oscar (Academy Technical Awards) cho những công trình tiên phong trong kỹ thuật hoạt hình và hiệu ứng hình ảnh. Chuyên gia Richard Chuang sẽ trình bày về công nghệ xử lý ảnh số tiên tiến và ứng dụng trong các hệ thống Y tế từ xa.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Các bài viết liên quan
Bài viết số 1
Bài viết số 2