Bi kịch trên đường tìm thuốc gây mê

Từ thuở xa xưa con người luôn tìm kiếm những chất có thể làm giảm những cơn đau thể xác. Cho tới giữa thế kỷ 18 vẫn chưa có phương thức nào để làm giảm đau cho người bệnh.

Năm 1772, một nhà khoa học người Anh, Joseph Priestley (1733-1804), trong một lần thử nghiệm trộn mạt sắt với acid nitric và đun hỗn hợp đó, ông đã thâu nhận được một loại khí đặc biệt: làm cho lũ chuột lăn ra ngủ như chết. Đó là chất khí protoxyt azot (còn gọi là dinitrous oxide N2O hoặc khí gây cười). Thật đáng tiếc là ông đã không tiếp tục thử nghiệm để biết rõ hơn về loại khí mới này.

Vào năm 1799, một nhà hóa học người Anh, Humphry Davy (1778-1829) đã thử nghiệm chất khí đó trên bản thân và nhận thấy có tác dụng làm mất cảm giác đau và ngủ say.

Một người học trò của Davy, sau này danh tiếng lừng lẫy hơn cả thầy, là Michael Faraday (1791-1867) đã chú tâm nghiên cứu ether, loại hóa chất đã được biết từ thời Paracelsus nhưng rồi cũng bị lãng quên.

Vào một đêm cuối năm 1841 ở thành phố Jefferson, thuộc bang Georgia, Hoa Kỳ, người bạn của bác sĩ Crawford Long (1815-1878) nhờ ông kiếm tìm một chút protoxyt azot để tổ chức buổi vui nhộn trong gia đình. “Tôi mang đến loại ether sulfuric vì không kiếm được chất khí yêu cầu – bác sĩ Long kể lại – tôi biết rõ loại khí này cũng gây cười vì bản thân tôi cũng đã hít thử nghiệm. Khi để một số khách đến dự cuộc vui thử hít loại khí này, tôi thấy họ cười sằng sặc, vài người ngã lăn quay, đập cả đầu, tay, chân vào bàn ghế, nhưng chẳng một ai kêu la đau đớn... Tôi suy nghĩ: phải chăng ether có thể làm giảm đau? Có thể sử dụng trong y khoa được chăng...?

Một buổi chiều, người bạn của bác sĩ Long (tên là James Venable) đến thăm vị thầy thuốc: ông ta có một cục u nhỏ ở sau gáy. Ngày 30 tháng 3 năm 1842, bác sĩ Long dùng sulfuric ether thấm ướt khăn mặt rồi úp lên mũi miệng ông bạn James và cuộc mổ bắt đầu. Khi tỉnh dậy sau một giấc ngủ say, James ngạc nhiên nhìn cục u đặt trên bàn mổ và kêu to:
- Trời ơi! Thế mà tôi không hay biết gì cả.

Ngày ấy đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Y học, nhưng đáng tiếc là bác sĩ Long ghi vắn tắt vào cuốn sổ hàng ngày: “Bệnh nhân James Venable được mổ ngày 30-3-1842: dùng ether gây ngủ, rạch mổ lấy cục u, không đau, giá tiền 2 đôla”.

Vào năm 1844, trong buổi tối đi xem xiếc, Horace Wells (1815-1848), một thầy thuốc nha khoa ở Hatford (Hoa Kỳ) thấy một khán giả bước lên sàn diễn để hít thở chất khí gây cười. Ngay lập tức anh ta ngã lăn ra, đùi đập vào ghế đến chảy máu mà không hề kêu rên. H. Wells đã dùng chất khí này để nhờ bác sĩ Riggs nhổ răng cho mình. Sau đó, 15 vị khách được nhổ răng nhờ vào loại khí này, và rồi Wells quyết định nhờ bác sĩ Morton tổ chức buổi trình diễn nhổ răng không đau có giáo sư Warren tham dự ở bệnh viện đa khoa Massachusetts.

Buổi trình diễn nhổ răng của Wells thất bại làm ông suy nghĩ rất nhiều. Morton tìm gặp hỏi ý kiến một người bạn vừa là thầy thuốc vừa là nhà hóa học nổi tiếng Charles Thomas Jackson.

- Chất protoxyt axot có nhiều trở ngại đấy – Jackson khuyên – hãy thử dùng chloric ether xem sao?

Morton chăm chỉ tiến hành nghiên cứu suốt 18 tháng trời. Ngày 30-9-1846, Eben Frost, một nhạc công chơi đàn violoncelle trong dàn nhạc thành phố, có một chiếc răng đau, đến nhờ Morton nhổ giùm. Vị bác sĩ nha khoa lấy một chiếc khăn tẩm ướt ether bịt kín mồm mũi người bệnh. Lúc đầu người nhạc công còn giãy giụa nhưng chỉ giây lát sau đã ngủ thiếp. Khi tỉnh dậy đã nhìn thấy chiếc răng đau đặt gọn trong khay mổ. Sớm hôm sau, người dân thành phố đã biết rõ tin mới đăng trên báo. Và cũng từ ngày đó, phòng mạch của bác sĩ Morton chật ních người đến chữa bệnh. Sau đó ông quyết định công bố phương pháp mới này.
Ngày 10 tháng 10 năm 1846 Morton đến bệnh viện Massachusetts tìm gặp giáo sư John Collins Warren. Năm trước cũng chính Warren đã dự buổi trình diễn nhổ răng không đau của Horace Wells, vì vậy vị giáo sư chăm chú lắng nghe những lời trình bày rành mạch của Morton nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ. Ba ngày sau, một người bệnh tên là Gilbert Abbot, dáng gầy yếu với một khối u lớn ở cổ, đến gặp giáo sư Warren.

- Cần phải phẫu thuật lấy trọn khối u đó, ông có đồng ý mổ không?

- Nếu không còn cách lựa chọn nào khác – người bệnh thật thà trả lời – thì tôi xin hoàn toàn tin cậy vào giáo sư.

Warren nghĩ mông lung. Bỗng vị giáo sư 68 tuổi nghĩ đến ông thầy thuốc nha khoa 27 tuổi vừa đến giới thiệu phương pháp vô cảm. Thế là sớm hôm sau Morton nhận được bức thư của Warren mời ông có mặt tại bệnh viện sáng thứ sáu 16 tháng 10 năm 1846 lúc 10 giờ để áp dụng phương pháp gây mê cho một bệnh nhân.
Đúng 9 giờ 45 phút sáng ngày thứ sáu, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ lúc này đã quá chật đông các thầy thuốc. Mười giờ hơn, Morton mới đến. Ông thầy thuốc nha khoa xin lỗi thì Warren đã ngắt lời: “Bệnh nhân đã sẵn sàng, bác sĩ Morton có thể bắt đầu”. Morton cúi xuống người bệnh, nhìn vào đôi mắt mở to ngờ vực.

- Ông có sợ không? Morton khẽ hỏi.

- Không, thưa bác sĩ, tôi hoàn toàn tin ở Ngài và giáo sư Warren. Xin bác sĩ cho tôi biết phải làm gì và tôi sẽ làm đúng như thế.

Bác sĩ Morton ngồi trên chiếc ghế cao ở phía đầu bàn mổ rồi đặt nhẹ một ống nhỏ nối với chiếc bình khí kỳ lạ vào mũi bệnh nhân và khẽ nói:

- Ông hãy hít sâu thở đều nhiều lần.

Giây lát sau, Morton lấy một mũi kim nhọn chích vào cánh tay người bệnh: “Ông có đau không?”. Người bệnh ấp úng: “Khô... Không...”. Ba phút sau, người bệnh nằm im lìm trên bàn mổ. Morton khẽ nhắc chiếc ống hít rồi khẽ nói: “Xin mời giáo sư Warren, bệnh nhân đã sẵn sàng”. Warren dùng dao kéo nhẹ nhàng bóc tách hết khối u vùng cổ rồi đặt trên chiếc khay trắng, sau đó nhanh nhẹn buộc thắt và khâu da. Bệnh nhân vẫn nằm im, thở nhẹ. Cả gian phòng lặng yên. Một lúc lâu, người bệnh tỉnh dần, ngơ ngác nhìn chung quanh.

- Ông có thấy đau chút nào không? Giáo sư Warren vừa hỏi vừa lau những giọt mồ hôi trên trán bệnh nhân.

- Không, thưa giáo sư, hoàn toàn không đau.

Inline image

Ít lâu sau, khi giáo sư Warren chuẩn bị dùng phương pháp vô cảm của Morton để cắt đoạn chi một bệnh nhân thì Hội các thầy thuốc Boston quyết định chỉ được dùng loại thuốc mới này sau khi đã công bố rõ ràng tính chất hóa học của thuốc đó. Vì quyền lợi người bệnh, Morton thông báo chất thuốc gây mê là ether. Thế là bắt đầu mối bất hòa giữa bác sĩ nha khoa Morton và nhà hóa học Jackson.

Ta hãy trở lại với nhà hóa học Jackson: vì đã khuyên nhũ Morton dùng chất ether nên Jackson cảm thấy cũng có công lao phát hiện ra chất gây vô cảm nên ông đòi quyền phát minh. Ông tìm gặp giáo sư Warren trình bày rõ câu chuyện và trao một văn bản đòi xác nhận ông là tác giả phát minh ra ether để gây vô cảm. Đồng thời Jackson cũng gửi một văn bản tương tự đến Viện Hàn Lâm Khoa học Paris. Do nhiều lý do phức tạp (trong đó có sự thiếu thông tin đầy đủ) ngày 1 tháng 3 năm 1847, Viện hàn lâm trao tặng Jackson giải thưởng Montlyon, kèm danh hiệu cao quí “Người ban ơn cho nhân loại”. Ngay lúc đó, Louis Velpeau, nhà phẫu thuật nổi tiếng ở Pháp, lên tiếng phản đối vì chính Velpeau đã tiến hành phẫu thuật vô cảm đầu tiên theo phương pháp Morton. Và ông chưa hề nghe nói đến Jackson có liên quan đến việc này. Viện Hàn lâm khoa học phải họp nhiều lần cũng không giải quyết được cuộc tranh luận, cuối cùng phải tạm thời đình hoãn việc trao giải thưởng và danh hiệu cao quí.

Câu chuyện lại trở nên phức tạp hơn khi Horace Wells xuất hiện tại Paris. Sau lần trình diễn nhổ răng bị thất bại, ông chán nản bỏ nghề chữa răng và đi buôn đồ cổ. Công việc buôn bán đưa đẩy ông đến Pháp. Một buổi sáng Wells đọc tin một cuộc phẫu thuật vô cảm đã thành công ở Boston nhờ phát minh của một thầy thuốc nha khoa trẻ tuổi tên là William T.G. Morton. Wells nhớ lại, và ngay lập tức gửi tới Viện Hàn lâm khoa học Paris một bản tường trình đầy đủ chi tiết về cội nguồn của phương pháp vô cảm. Cùng thời gian này, Wells được biết là nhiều nhà khoa học đã phát hiện một dung dịch dễ bốc hơi, có hiệu quả làm giảm đau và gây ngủ tốt hơn so với ether: đó là chloroform. Wells mua một số lượng lớn chất chloroform và quyết định thử nghiệm ngay trên bản thân trước khi công bố kết quả. Ông cảm thấy sau mỗi lần thử nghiệm, đầu óc lâng lâng bay bổng, cơ thể nhẹ như lông hồng, rồi trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, Wells tìm đến những nơi ăn chơi trác táng ở New York để quên hết mọi chuyện đời. Sau khi gây rối loạn ở một tiệm ăn, ông bị cầm tù. Tại đây không còn chất chloroform để giúp ông quên đi những nỗi cực nhọc thường ngày. Ngày 24 tháng 1 năm 1848, trong một trại giam ở New York, Horace Wells tự vẫn bằng cách cắt đứt mạch máu cẳng tay. Vinh dự cuối cùng của ông là được chôn cất tại tỉnh Hartford quê hương. Thật trớ trêu: đúng ngày hôm sau lúc an táng Wells, một bức thư dài của Viện Hàn lâm khoa học Paris gửi tới Hartford báo tin: “Vì công lao đóng góp trong việc phát hiện phương pháp vô cảm, Horace Wells được tặng giải thưởng Montlyon gồm 5.000 frăng kèm danh hiệu cao quí “Người ban ơn cho nhân loại”.

Còn Morton? Sau khi từ chối nhận giải và tiền, ông lâm cảnh túng thiếu nợ nần. Giáo sư Warren, người đã sử dụng phương pháp vô cảm của Morton, vội tổ chức một buổi họp gồm nhiều người ủng hộ ông thầy thuốc nha khoa rồi cùng kiến nghị lên Quốc hội Hoa Kỳ đề nghị tặng thưởng Morton 100.000 đô la để ghi nhận công lao của ông.

Lúc này Jackson lại xuất hiện: ông trình ra quyết định của Viện Hàn lâm khoa học Paris về việc tặng thưởng cả hai người trong việc phát hiện phương pháp vô cảm. Sau nhiều lần tranh cải, nhờ ảnh hưởng quyết định của giáo sư Warren, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn bác bỏ đơn của Jackson và chỉ tặng thưởng riêng cho Morton 100.000 đô la. Nghe lời xui của Jackson, bà vợ góa của Horace Wells bèn làm đơn kháng nghị tới Quốc hội Hoa Kỳ đòi chia số tiền thưởng cho cả chồng bà.
Suốt 13 năm ròng, cuộc tranh cải về thẩm quyền phát minh phương pháp vô cảm vẫn chưa kết thúc. Vì vậy Morton không nhận được một đồng đô la tiền thưởng nào. Ông sống trong cảnh bần hàn cơ cực. Lúc này, Viện Hàn lâm khoa học Paris đã dùng tiền thưởng (mà Morton không nhận) đặt làm một huy chương bằng vàng, một mặt khắc hình nữ thần Minerva (tượng trưng cho sự hiểu biết và khoa học) kèm dòng chữ “Kính tặng Người ban ơn cho nhân loại” và mặt kia khắc tên “William Thomas Green Morton 1819” rồi gửi tới biếu ông thầy thuốc nha khoa.

***

Một buổi sáng giữa năm 1862, trong tiệm cầm đồ, có một người đàn ông gầy yếu bước vào tìm gặp chủ tiệm để bán một chiếc huy chương vàng.

- Ông có thể trả cho tôi bao nhiêu tiền? – Người đàn ông hỏi, giọng yếu ớt.

- Tôi sẽ trả tiền đủ số với số vàng ở đó – Người chủ tiệm vừa đáp vừa ngắm nghía chiếc huy chương và dòng chữ “Kính tặng Người ban ơn cho nhân loại” và lật phía mặt kia đọc tiếp “William Thomas Green Morton”... Ngẫm nghĩ giây lát rồi người chủ tiệm hỏi thêm:

- Ông lấy ở đâu ra chiếc huy chương này? Ông có quyền gì để bán như thế?

Giọng nói thều thào khe khẽ của người đàn ông gầy yếu:

- Viện Hàn lâm khoa học Paris đã tặng tôi. Chính tôi là bác sĩ Morton, hoặc nói đúng hơn thì trước kia tôi là bác sĩ Morton.

Người chủ tiệm cầm đồ kinh ngạc ngắm nhìn người đàn ông gầy yếu:

- Chính ông là Người ban ơn cho nhân loại?

Morton im lặng không đáp.
- Ông thật sự cần bán chiếc huy chương vàng này sao?
- Vâng, có lẽ thế - vẫn giọng nói khe khẽ thều thào – nếu không thì ngày mai cả gia đình tôi chẳng còn gì để ăn nữa.

Người chủ tiệm lật đi lật lại chiếc huy chương vàng rồi rút ngăn kéo lấy ra một xấp tiền giấy trân trọng đưa cho Morton và nhẹ nhàng nói:
- Xin ông cầm tạm số tiền này. Nếu ông là người đã ban ơn cho nhân loại thì tôi cũng phải chịu cái ơn đó. Ông hãy giữ lại chiếc huy chương.

***

Một buổi chiều, cùng bà vợ ngồi trên xe đi dạo chơi hóng gió, bỗng Morton ngất lịm và phải chở ngay vào bệnh viện. Vị bác sĩ khoa cấp cứu đến thăm hỏi:
- Chính là bác sĩ Morton đây ư?
- Vâng, chính vậy. Bà vợ khẽ đáp.

Vị bác sĩ trưởng khoa quay lại phía các sinh viên nội trú:
- Các bạn đồng nghiệp trẻ, trước mặt các bạn là người đã giúp những bệnh nhân bớt đi biết bao nỗi đau thể xác. Không ai có thể làm nhiều hơn thế được.

Bà vợ Morton lục tìm trong túi áo người ốm đang nằm im lìm và lấy ra chiếc huy chương vàng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp rồi khẽ nói:
- Vâng, đúng như vậy. Và đây là tất cả những gì mà người đó đã thụ hưởng.

Đó là ngày 15 tháng 7 năm 1868, khi người thầy thuốc nha khoa William Thomas Green Morton, 49 tuổi, vĩnh viễn ra đi.

Dần dần mọi người hiểu rõ thêm sự thật. Trên các trang báo có nhiều bài viết về Morton với niềm tiếc thương và hối lỗi. Năm năm sau, ở thành phố Boston quê hương của vị thầy thuốc nha khoa, có dựng một tấm bia tượng kỷ niệm, khắc dòng chữ “Kính tặng William T.G. Morton. Người phát minh ra phương pháp vô cảm. Người đã loại bỏ hết những nỗi đau ra khỏi phẫu thuật”.

Còn nhà hóa học Jackson? Sau nhiều năm tháng tranh cãi triền miên, ông trở thành người điên dại và suốt 7 năm cuối đời, ông thường phải nằm điều trị trong một bệnh viện tâm thần và qua đời tại đó.

TRẦN PHƯƠNG HẠNH
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người Số 2 - Tháng 9.1996