Triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐTBộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT

GD&TĐ - Sáng nay (6/7), Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp lần thứ nhất năm 2019 với nội dung chính là thảo luận về Kế hoạch tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì phiên họp. 

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, các thành viên Ban chỉ đạo và đại diện 1 số doanh nghiệp lớn về công nghệ.

Bức tranh tổng thể về ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT

Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Căn cứ các yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của Chính phủ, Kế hoạch tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 và các Chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT khác của Bộ, Cục CNTT xây dựng báo cáo tổng thể về ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo nhằm làm rõ bức tranh tổng thể về ứng dụng CNTT của Bộ, nêu rõ các cấu phần, thành phần và yêu cầu về ứng dụng CNTT; đánh giá được thực trạng triển khai ứng dụng CNTT của Bộ hiện nay; đề xuất các nội dung ứng dụng CNTT của Bộ cho giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, về tổng thể, ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT có thể thành 6 cấu phần, đó là: Ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ của Bộ GD&ĐT; Ứng dụng CNTT trong quản lý ngành; Ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; Hạ tầng, thiết bị và an toàn thông tin; Nguồn nhân lực sử dụng CNTT; Chính sách ứng dụng CNTT.

Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) 

Trong đó, ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành của Bộ GD&ĐT là các hệ thống được xây dựng nhằm hiện đại hóa và hỗ trợ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ đối với các đơn vị thuộc Bộ. Các hệ thống này được xây dựng căn cứ trên các yêu cầu về phát triển Chính phủ điện tử, cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân là các ứng dụng hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành, truyền tải thông tin và tạo công cụ giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền thực hiện của Bộ. Gồm: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống một cửa điện tử.

Ứng dụng CNTT trong quản lý ngành gồm: Hệ thống dùng chung toàn ngành, hệ thống dùng ở các cơ sở. Trong đó, hệ thống dùng chung toàn ngành là các giải pháp giúp thực thi công tác quản lý ngành có hiệu quả thông qua việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu toàn ngành về GD&ĐT nhằm cung cấp thông tin quản lý giáo dục cho các các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Đối với ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai kho học liệu số dùng chung toàn ngành, kho bài giảng e-learning, hệ thống dạy học trực tuyến, hệ thống thi trực tuyến, Hệ tri thức Việt số hóa…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp 

Công nghệ thông tin –  “đũa thần” trong giáo dục

Khẳng định CNTT và tiếng Anh là 2 “đũa thần” trong thực hiện đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định: Trong mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có những bước tiến dài trong ứng dụng CNTT và là một trong những bộ tiên phong trong Chính phủ thực hiện Chính phủ điện tử.

Với khung kiến trúc tổng thể về ứng dụng CNTT, sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Bộ trưởng cho rằng, khung này ít nhất cần có 4 thành tố; trong đó thành tố đầu tiên phải quan tâm xây dựng là trục kết nối tích hợp, liên thông dữ liệu từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT đến các cơ sở. Thành tố thứ 2 ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của Bộ GD&ĐT. Thứ 3 là ứng dụng CNTT trong quản lý ngành. Cuối cùng, liên quan đến phục vụ các hoạt động dạy học, hoạt động dịch vụ giáo dục; trong đó, Bộ GD&ĐT xây dựng hướng dẫn để khuyến khích xã hội hóa.

5 điều kiện đi kèm để có thể vận hành 4 thành tố trên, theo Bộ trưởng cần đầu tiên là hệ thống các phần mềm; sau đó là các thiết bị kết nối đầu cuối; hạ tầng dùng chung và an toàn thông tin; nhân lực sử dụng và cuối cùng là các văn bản quy định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Cục CNTT, Vụ Kế hoạch Tài chính và các vụ cục liên quan chọn ra các hạng mục ưu tiên để triển khai ngay trong năm 2019-2020. Trên cơ sở khung kiến trúc tổng thể về CNTT sẽ tiến hành rà soát những gì đã có, chưa có, những gì cần bổ sung để có bài toán tổng thể về đầu tư; có phân loại theo lộ trình 5 năm và từng năm theo đúng hướng dẫn của Chính phủ. Trên cơ sở các hạng mục, đề xuất hạng mục nào Bộ GD&ĐT sẽ đầu tư, hạng mục nào địa phương hay cơ sở đầu tư, hạng mục nào có thể xã hội hóa. 

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú