Phòng chống bệnh Tay chân miệng

Viện Pasteur TPHCM, 28/09/2015

1. Bệnh Tay chân miệng là gì?

Bệnh Tay chân miệng (TCM) là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, chân và mông. Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


Hình 1: Bệnh Tay chân miệng

2. Bệnh Tay chân miệng có phải là bệnh mới không?

Bệnh TCM không phải là bệnh mới xuất hiện vì trong các tài liệu Y khoa đã đề cập từ lâu. Tuy nhiên, do trước đây bệnh diễn tiến lành tính với nguyên nhân chủ yếu là virus coxsakie do đó dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Trong thời gian gần đây, thế giới đã phát hiện thêm một số tác nhân mới gây ra bệnh cảnh nặng, đặc biệt virus Enterovirus 71 (EV71). Tác nhân mới này có khả năng làm bệnh diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm trên não và tim dẫn đến tử vong.

3. Bệnh Tay chân miệng lây truyền như thế nào?

Vi rút gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ bóng nước trên da, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị nhiễm bệnh là nguồn lây bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Tuy nhiên, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do vi rút vẫn tồn tại trong phân, dịch tiết và hầu họng). Bệnh TCM không truyền từ vật nuôi hoặc các loại động vật khác sang người và ngược lại.


Hình 2: Cơ chế bệnh sinh của Enterovirus trong cơ thể người

Tỉ lệ người lành mang trùng chiếm từ 17-23%, do vậy những người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác, kể cả người lớn (Đã ghi nhận trường hợp trẻ 2 tháng tuổi mắc bệnh TCM). Vi rút gây bệnh TCM có thể tồn tại trong đồ ăn, thức uống, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hằng ngày hay trên bàn tay của người chăm sóc trẻ, vì thế, vi rút có thể vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa và gây bệnh.


Hình 3: Sự lây truyền bệnh Tay chân miệng

4. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh Tay chân miệng?

Mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi triệu chứng nghiêm trọng hơn khi mắc bệnh. Người lớn ít bị mắc bệnh có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây.

5. Trẻ đã mắc bệnh Tay chân miệng thì có mắc lại nữa không?

Có. Do có đến 11 tuyp virus gây bệnh TCM nên trẻ vẫn có thể mắc bệnh lại khi nhiễm type vi rut khác.

6. Bệnh Tay chân miệng được điều trị như thế nào?

Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét. Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa ngay khi có một trong những dấu hiệu sau:

•    Sốt cao kéo dài (từ 38,5oC trở lên).
•    Nôn nhiều.
•    Giật mình, chới với, hốt hoảng, Run chi.
•    Yếu liệt tay hoặc chân.

7. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh TCM cần lưu ý:

Theo số liệu thống kê, 80% số trẻ mắc bệnh là do mắc bệnh tại nhà, do đó trẻ có đi học hay không đi học vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh TCM cho trẻ. Nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng đến trẻ nhỏ trong môi trường học đường, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

1.    Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

2.    Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3.    Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4.    Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5.    Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6.    Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

BS. Phan Công Hùng