Gia đình và thầy thuốc Việt Nam

Còn bà của bé Cún thì tâm sự rằng, hậu qủa việc mẹ ép bé ăn để  mau lên cân, đã khiến bé sợ ăn, hình thành hành vi ụa ói khi tiếp xúc với thức ăn, bữa ăn không còn là bữa ăn vui vẻ đối với Cún, như bác sĩ khuyên bảo. Bà cũng muốn cháu lên cân, nhưng đến mức này bà cũng đành bó tay cũng không biết làm sao thay đổi được, bà chỉ biết chép miệng rằng thời đại bây giờ ai cũng than sao trẻ con biếng ăn qúa, xưa kia có khác.

Làm sao để bé trở thành bé khỏe bé ngoan là mục tiêu của mọi thành viên trong gia đình. Nhưng nhiều khi đường đến đích không thông cứ ùn tắc, vì không thống nhất được cách chăm sóc trẻ giữa thế hệ ông bà và các cha mẹ trẻ.

Cũng như các thầy thuốc Nhi Khoa khác, việc chăm sóc các em bé thường cần làm việc rất sát với gia đình, nên nhà trị liệu Phục Hồi  Chức Năng chúng tôi đã có nhiều câu chuyện về việc hai thế hệ trong gia đình khó nhất trí việc chăm sóc sức khỏe cho bé yêu của mình.

Chúng tôi cho rằng, suốt mấy muơi năm nuôi con, đến lúc có cháu, trở thành ông bà, thì những kinh nghiệm về chăm sóc trẻ rất đáng để tham khảo. Bà của Ben có lý khi cho rằng Ben sinh non thì phải chậm hơn bé sinh đủ tháng, y văn cũng dạy các bác sĩ phải tính tuổi điều chỉnh của em bé sinh thiếu tháng chứ không tính theo ngày bé ra khỏi bụng mẹ, để cho thuốc hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp khác một cách phù hợp. Và bà cũng có lý khi nêu yếu tố di truyền có liên quan đến sự phát triển. Nhận xét của bà Cún cũng không sai rằng, trẻ con bây giờ không háo hức ăn, ngược lại là sợ ăn, vì thời nay, thức ăn qúa dư thừa với nhu cầu bình thường, ám ảnh không lên cân, làm cho nhiều gia đình bỏ qua cảm xúc và các yếu tố tích cực khác của vấn đề ăn uống, chẳng hạn như bữa ăn vui vẻ tạo tương tác tốt giữa trẻ và mọi người, nhờ đó trẻ phát triển rất nhiều kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, vận động tinh.

Nhưng về phía thế hệ của mẹ Ben hoặc mẹ Cún sẽ có ý kiến với thầy thuốc rằng, mẹ các cháu đang áp dụng những lời khuyên bảo của các bác sĩ viết trong sách báo là phải can thiệp sớm, bảo đảm dinh dưỡng là nền tảng cho bé phát triển khỏe mạnh và thông minh.

Được đưa vào làm bằng chứng trong cuộc tranh cãi này, các thầy thuốc sẽ khẳng định qủa thực đã viết như thế và không viết sai; nhưng sách báo chỉ có tính cách chung chung để tham khảo, nên cho phép thầy thuốc làm thêm việc tư vấn, đặc biệt khi gặp các trường hợp cụ thể như trên, qua tư vấn thầy thuốc sẽ cung cấp thêm các thông tin khoa học giúp đi đến khả năng nhất trí cao, hài lòng cho mọi thành viên gia đình, vì người được lợi nhiều nhất sẽ là em bé.

Trường hợp của bé Ben, bà có lý, nhưng hiện nay y khoa có rất nhiều tiến bộ. Đội ngũ thầy thuốc đa chuyên khoa sẽ khám và cung cấp thông tin cho gia đình biết thực sự Ben có cần can thiệp Vật Lý Trị Liệu hay chỉ cần chăm sóc theo sự hướng dẫn của bác sĩ và  theo dõi tái khám. Ben tuy sinh thiếu hai tháng, tuổi điều chỉnh của Ben hiện nay là 9 tháng tuổi, như thế đúng là Ben phát triển vận động chậm, can thiệp Vật Lý trị liệu là đúng, theo hướng xử trí như thế, Ben sẽ phát triển có sự theo dõi của thầy thuốc, thay vì không làm gì  chờ đợi một cách hồi hộp đến 4 tuổi, sẽ lãng phí thời gian vàng của Ben.


Bé học tốt nhất khi bé vui thích

Đối với Cún, nếu theo cách truyền thống, cứ giao bé cho bà chăm ăn, sự chậm rãi nhưng đầy tinh tế của người lớn tuổi, sẽ không khó để bà  đón nhận đựoc thông điệp của cháu  và đáp ứng thích hợp nhu cầu ăn uống thực sự của bé. Khoa học đã nói rằng cuộc sống dễ chịu, tươi vui sẽ giúp trẻ sẵn sàng học hỏi, khám phá để khôn lớn. Vậy thì đừng để mỗi ngày ba bữa ăn là những trải nghiệm đau khổ cho trẻ, chắc chắn nó sẽ làm cho sự phát triển của trẻ trục trặc không ít. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, có nhiều trường hợp chuyện biếng ăn, khó ăn tưởng là chuyện nhỏ, nhưng theo thời gian đã có những hệ lụy mà muốn thay đổi thì không đơn giản, chẳng hạn hành trang đi học lớp một của bé An là cặp sách và một máy xay sinh tố, vì bé không thể ăn cơm, hoặc thức ăn lợn cợn. Hoặc bé Nhung phải  học trễ một năm lớp 1 để chữa cho hết bệnh sợ ăn, sợ nuốt. Không ăn được cơm, nhưng để nuốt được miếng bột, Nhung phải xin cô giáo hãy quát mắng, vì có làm cho sợ em mới nuốt được; bác sĩ Nhi Đồng 1 đo nhịp tim em đang từ 90 tăng lên đến 130 mỗi lần nuốt.

Hãy chung tay để trẻ học, phát triển tối ưu trong quảng thời gian 3 năm đầu của cuộc đời. Đừng làm lãng phí thời gian của trẻ. Hãy để trẻ là tâm điểm của mọi nỗ lực của gia đình và thầy thuốc.

Hà Thị Kim Yến Khoa VLTL&PHCN