Đừng chủ quan với bệnh tay chân miệng trong năm 2012


I. Theo nhận định của Bộ Y tế bệnh TCM trong năm 2012 diễn biến khá phức tạp và có thể tăng cao vì những lý do sau đây:
Bệnh do vi rút đường ruột, lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp với bệnh phẩm như phân, chất tiết đường hô hấp, dịch ói...
Có nhiều chủng vi rút gây bệnh TCM cho trẻ em, một người có thể mắc nhiều chủng vi rút khác nhau, đặc biệt sự lưu hành của chủng vi rút EV71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong.

Theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp.

Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

II. Những ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đối với sức khỏe trẻ em bao gồm:
Trẻ em với sức đề kháng còn yếu kém, nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi không may bị nhiễm bệnh sẽ gặp rất nhiều bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong tương lai, cụ thể
Nhẹ trẻ có thể bị suy kiệt sau đợt bệnh vì trẻ không ăn uống được do các vết đau loét ở miệng, nếu trẻ không được chăm sóc chu đáo trẻ có thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, nhiễm trùng da, viêm đường tiêu hóa, nặng hơn có thể nhiễm trùng huyết.
Nặng và nghiêm trọng hơn trẻ có thể bị những biến chứng nguy hiểm ở hệ thần kinh trung ương làm cho trẻ bị hôn mê, liệt vận động, bại não, động kinh…ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm vận động của trẻ sau này.
Một số trẻ có thể bị vi rút tấn công vào hệ hô hấp và tim mạch là những cơ quan trong yếu của cơ thể, nếu không được theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời có thể gây nguy hại đến tính mạng của trẻ như trẻ có thể bị suy hô hấp dẫn đến ngừng thở, phù phổi cấp, trụy tim mạch làm cho trẻ có thể tử vong rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ.

III. Những biến chứng thông thường nguy hiểm của bệnh và dấu hiệu gợi ý xuất hiện biến chứng:
* Nhóm biến chứng thần kinh trung ương chiếm hàng ưu thế từ 90 – 95% biến chứng của bệnh tay chân miệng
Mức độ nhẹ trẻ có những biểu hiện như liên tục quấy khóc khi ngủ, hay giật mình, hốt hoảng, chới với, co giật…
Mức độ nặng hơn liên quan đến những biến chứng nguy hiểm của hệ thần kinh như:
Run chi, giật mình, run giật cơ khi ngủ, loạng choạng.
Thay đổi tri giác: vật vã, bứt rứt, li bì, mắt nhìn lên, đảo mắt, rung giật nhãn cầu, co giật, hôn mê…
Lạnh tay chân.
Yếu chi, liệt mặt…
* Nhóm biến chứng hô hấp chiếm khoang 36,3% biến chứng của bệnh tay chân miệng
Trẻ bị biến chứng này sẽ có những biểu hiện thường gặp như thở nhanh, thở khó, thở không đều, thở co lõm ngực, nặng hơn trẻ có thể bị tím tái, suy hô hấp hoặc ngưng thở rất nguy hiểm đến tính mạng
*
Nhóm biến chứng tim mạch chiếm khoang 37,1% biến chứng của bệnh tay chân miệng
Với các biểu hiện thường gặp như mạch nhanh, huyết áp tăng hoặc giảm, rối loạn nhịp tim, trương hợp xấu nhất trẻ có thể bị tụt huyết áp hoặc trụy tim mạch (mạch và huyết áp bằng “không”). Những trường hợp vừa nêu trên thường là biến chứng tim mạch nặng, nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao.
Phụ huynh cấn lưu ý nếu thấy trẻ có những biểu hiện nói trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời vì khi xuất hiện những biến chứng này ở trẻ, nếu không điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng và tử vong rất nhanh.

IV. Phương pháp phòng bệnh TCM giúp hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh cho gia đình và cộng đồng
Bệnh TCM hiện nay là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em vì  mức độ lây nhiễm cao, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ, bệnh chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Để bảo vệ con trẻ thoát khỏi sự nguy hiểm của bệnh, phụ huynh nên tuân thủ 8 nguyên tắc phòng bệnh quan trọng do Bộ Y tế khuyến cáo như sau:   
1.
Rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch.

2. Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.

3. Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung muỗng chén.

4. Nấu sôi hoặc ngâm dung dịch Chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch.

5. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, dung dịch Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường.

6. Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.

7. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc vết loét ở niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay CSYT để được khám và điều trị.
Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày. Thu gom xử lý phân của trẻ bằng Chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp… Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. 

Ths.BS Đinh Thạc