Chuyển đổi giới tính

Thông thường, đối với người nữ hộ sinh hay ngay cả “bà mụ vườn”, việc phân biệt trai gái ở trẻ sơ sinh chẳng có gì phải bàn. Thế nhưng, cứ 4500 trẻ mới chào đời lại có một trường hợp mà việc xác định giới tính lại làm cho người ta lúng túng. Ngay cả khi đã đến tuổi dậy thì… Chúng tôi đã phỏng vấn Giáo sư NGÔ GIA HY, một chuyên gia về lĩnh vực này, một số vấn đề về việc xác định giới tính và chuyển đổi giới tính.

PV: Hiện tượng “ái nam, ái nữ” là một thực tế trong xã hội. Về mặt y học, hiện tượng này được nhìn nhận như thế nào?

Ngô Gia Hy: Ái nam, ái nữ là người nửa nam nửa nữ, nói cho rõ hơn, là người nam lại có những tính chất nữ; và ngược lại người nữ lại có những tính chất nam. Những tính chất bất thường này, chủ yếu xảy ra tại cơ quan sinh dục trong như tử cung và ngoài như dương vật. Đây là một dị tật bẩm sinh còn gọi là lưỡng phái mà nguyên nhân nằm sâu trong bất thường về nhiễm sắc thể.

Bình thường, phôi mới hình thành có cả tính nam lẫn tính nữ tức tuyến sinh dục của phôi chưa phân hóa, có cấu trúc lưỡng tính, cơ quan sinh dục trong sơ khai cũng vậy. Trong quá trình phát triển nếu tính nam chiếm ưu thế thì cơ quan sinh dục nữ sẽ tiêu dần, và ngược lại nếu tính nữ chiếm ưu thế thì cơ quan sinh dục nam sẽ tiêu dần.

Lưỡng phái sẽ xảy ra nếu không có tính nào ưu thế trội. Sự phát triển cơ quan sinh dục ngoài đến cơ quan sinh dục trong và tùy thuộc vào phái kích tố: phái kích tố nam testosteron do tinh hoàn bài tiết chiếm ưu thế sẽ thúc đẩy sự hình thành dương vật; phái kích tố nữ estrogen do buồng trứng bài tiết chiếm ưu thế sẽ thúc đẩy sự hình thành âm đạo, môi lớn, môi nhỏ.

Trong lưỡng phái không có phái kích tố nào ưu thế nên có cả cơ quan sinh dục ngoài nam và nữ nhưng thường không toàn vẹn. Có ba loại lưỡng phái:

  1. Lưỡng phái giả nam là người nam về di truyền học có tinh hoàn, nhưng lại có âm đạo thô sơ, đôi khi vú lớn.
  2. Lưỡng phái giả nữ là người nữ về di truyền học có buồng trứng nhưng lại có dương vật thô sơ.
  3. Lưỡng phái thật sự là người có cả phái tính di truyền nam – nữ (20%), hoặc nam (60%) hoặc nữ (20%), và có cả tinh hoàn – buồng trứng thô sơ, còn cơ quan sinh dục ngoài thì mơ hồ.

Về hiểu biết bề ngoài, lưỡng phái có rất nhiều dạng, và cách cư xử tức hành vi cũng vậy. Thông thường khi đến tuổi đôi mươi nếu kích tố nam ưu thế, sẽ có hình thái nam và hành vi nam, ngược lại, nếu kích tố nữ ưu thế, sẽ có hình thái nữ và hành vi nữ. Trên nguyên tắc thì như vậy, nhưng có nhiều dạng mơ hồ, hay nửa vời.

Sau cùng, tưởng cũng nên nhắc lại rằng ngay sau khi đã trưởng thành, trong cơ thể con người vẫn có kích tố nam và nữ, nhưng với mức độ khác nhau. Tinh hoàn bài tiết kích tố nam là chính nhưng vẫn có một ít kích tố nữ. Buồng trứng bài tiết chủ yếu kích tố nữ, nhưng vẫn có một ít kích tố nam. Tuyến thượng thận cũng có cả kích tố nam lẫn nữ. Tinh hoàn bài tiết quá nhiều kích tố nữ hay không bài tiết kích tố nam sẽ sinh ra bệnh “Tinh hoàn nữ hóa”. Ở người nam mà có vú lớn, tinh hoàn nữ là một dạng lưỡng phái giả nam. Bướu buồng trứng nam hóa sẽ sinh ra lưỡng tính giả nữ. Tuyến thượng thận tăng triển bất thường ở người nữ, sẽ sinh ra lưỡng phái giả nữ.

Người mẹ trong lúc mang thai uống nhiều thuốc loại kích tố nam, sẽ làm nam tính hóa cơ quan sinh dục ngoài của bào thai nữ.

LƯỠNG PHÁI NHIỄM SẮC THỂ

Về phương diện di truyền, nhiễm sắc thể, người nam có công thức 46 XY, người nữ công thức 46 XX. Khi có lưỡng phái, công thức này sẽ thay đổi. Cụ thể các nhiễm sắc thể giới tính không bình thường có thể là:

XO      (hội chứng Turner)
XXY    (hội chứng Klinefelter)
XX/XXY    (hội chứng Klinefelter)
XX      (trên người nam)
XY/XX (lưỡng phái thật sự)
XO/XY



PV: Y học có khả năng tới đâu để “chuyển đổi giới tính” theo yêu cầu của sinh lý hoặc tâm lý/nguyện vọng của người bệnh?

NGH: Sự chuyển đổi giới tính không đơn giản, bởi vì có nhiều yếu tố tác động vào sự quyết định phái:
+ Yếu tố di truyền
+ Yếu tố tuyến sinh dục
+ Yếu tố cơ quan sinh dục trong và ngoài
+ Yếu tố xã hội: cách nuôi dưỡng như người nam hay nữ
+ Yếu tố hành vi (tâm lý)
+ Yếu tố luật pháp

Khoa học chưa có khả năng tác động vào yếu tố phái do di truyền, tức phái nhiễm sắc thể (nam 46XY; nữ 46XX) hay phái sắc tố (Nam: phái sắc tố -, Nữ: phái sắc tố +).

Về tuyến sinh dục, khoa học chưa tạo ra được tinh hoàn hay buồng trứng, cũng như tử cung hay túi tinh. Mong rằng ngành ghép cơ quan một ngày nào đó sẽ giải quyết được vấn đề này. Phẫu thuật tạo hình cho phép phần nào điều chỉnh hình thái của cơ quan sinh dục ngoài như dương vật, âm đạo theo hướng chuyển đổi giới tính. Sau đó sẽ dùng kích tố để trợ giúp.

Cha mẹ dựa vào phái lúc khai sinh, sẽ nuôi dưỡng và dạy bảo, cho con ăn mặc theo kiểu trai hay gái. Đến lúc chuyển đổi giới tính, có khi cần thay đổi hẳn lề lối cũ. Đây là một quá trình phức tạp, tế nhị, đòi hỏi thời gian; vấn đề tâm lý và hành vi cũng phức tạp không kém. Thuyết phục được các nhà hữu trách đổi giới tính trong bản khai sinh không dễ.

Tóm lại, là sự chuyển đổi giới tính toàn vẹn chưa đạt được. Phải chấp nhận những nửa vời, và nhất là vô sinh. Dù sao tạo được hạnh phúc cho một cá nhân và cho một lứa đôi đã là niềm vui đáng khích lệ rồi.

PV: Việc chuyển đổi giới tính như thế có tác động gì về cuộc sống xã hội của người bệnh?

NGH: Vào thời gian đầu sau khi chuyển đổi giới tính, đương sự không tránh khỏi được những vướng mắc trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Xã hội và nhất là người bạn đời cần phải hiểu điều tất nhiên này. Thời gian, sự kiên trì và sự thông cảm lẫn nhau sẽ thắng được mọi khó khăn. Sau cùng hãy chấp nhận sự tương đối, đừng đòi hỏi sự tuyệt đối.

PV: Kinh nghiệm thực tiễn ở Bệnh viện Bình Dân về vấn đề này? Xin Giáo sư kể cho một trường hợp điển hình.

NGH: Từ trước đến nay đã có 19 trường hợp lưỡng phái được điều trị tại Bệnh viện Bình Dân. Đa số bệnh nhân đều đến muộn, vào tuổi dậy thì hoặc trể hơn. Xin nêu một ví dụ:

Một bệnh nhân 14 tuổi, có tên con trai, được nuôi dưỡng như con trai, có hành vi tâm lý nam nhưng phải tiểu ngồi như nữ. Gia đình đưa em vào viện xin khám và yêu cầu cải biến em thành nam. Cả em cũng muốn thế. Bác sĩ khám thấy em có âm đạo, cho vừa ngón tay nhưng không có cổ tử cung, dương vật nhỏ với lỗ tiểu thấp; bìu xẻ đôi trông như môi lớn âm hộ nhưng không sờ nắn thấy tinh hoàn. Ngực phát triển như nữ từ năm 13 tuổi.

Về mặt di truyền, em có nhiễm sắc thể kiểu 46XX/XY và thể Barr dương tính. Mổ ổ bụng thăm dò, thấy có hai tuyến sinh dục có nang như buồng trứng, không có tử cung. Sinh khán tuyến sinh dục thấy mô tụy – sinh dục thô sơ, không phân hóa, nên không xác định được là tuyến sinh dục nam hay nữ.

Trong số các bệnh nhân trên, đã có 10 người lập gia đình: bốn người lấy vợ và sáu người lấy chồng.

PV: Xin cám ơn Giáo sư.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP LƯỠNG PHÁI ĐÃ ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN BÌNH DÂN

 

* Lưỡng phái giả nữ:                                               8 trường hợp
chuyển thành nam:
– điều trị bằng cortisol:                                           2
– cắt bỏ buồng trứng, tạo hình lỗ tiểu thấp:                 1
– tạo hình dương vật + kích tố nam:                          1
– cắt ống Muller + kích tố nam:                                1
– cắt buồng trứng, âm đạo và tạo hình dương vật        1
chuyển thành nữ:
– cắt bỏ tinh hoàn, tạo hình âm đạo                           2

* Lưỡng phái giả nam:                                                        9 trường hợp
chuyển thành nữ:
– cắt bỏ tinh hoàn ẩn:                                             4
– cắt bỏ tinh hoàn ẩn + dương vật thô sơ
và tạo hình âm đạo:                                               1
– cắt bỏ buồng trứng nam hóa:                                1
chuyển thành nam:
   – đưa tinh hoàn ẩn xuống bìu,
tạo hình dương vật và niệu đạo:                               2
– điều trị bằng kích tố nam:                                     1
* Lưỡng phái hành vi:                                              2 trường hợp
– Bệnh nhân không chịu can thiệp

 Nguồn: Y Học Cho Mọi Người số 1, tháng 8, 1996
Phỏng vấn GS. Ngô Gia H