Bệnh do vi khuẩn Whitmore: Đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị

Sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore “ăn” cánh mũi đã được xuất viện vào ngày 19.9.

Chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Bệnh do vi khuẩn Whitmore tuy rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị, nên có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang.

Phác đồ điều trị phức tạp

Sau hơn 3 tuần điều trị tích cực với sự phối hợp hiệu quả của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore “ăn” cánh mũi đã ổn định và được xuất viện vào ngày 19.9.

Nữ bệnh nhân P.T.S (49 tuổi, ở Bắc Kạn) được bệnh viện tỉnh chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai ngày 28.8, trong tình trạng sốt cao liên tục. Một tuần trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp xe ở khớp cổ chân phải. Tại tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường type 2 và được điều trị kháng sinh rocephin, vancomycin, metronidazol nhưng không đỡ và được chuyển đến Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

“Tại đây, dựa vào các dấu hiệu bệnh cảnh lâm sàng và kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ đã cho cấy mủ để tìm nguyên nhân. Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng” - PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết.

Ông Cường nói thêm, với trường hợp này, trong giai đoạn tấn công, bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao. Đồng thời được hội chẩn với nhiều chuyên khoa trong bệnh viện như Nội tiết - Đái tháo đường, Tai mũi họng, Cơ xương khớp, Vi sinh… để theo dõi, phối hợp điều trị bệnh nền và giải quyết các tổn thương tại chỗ, đặc biệt là chăm sóc vết thương hằng ngày để bảo tồn cánh mũi. Sau 1 tuần điều trị, các dấu hiệu của bệnh đã bắt đầu thuyên giảm. 3 tuần sau, bệnh nhân cắt sốt, toàn trạng ổn định, ăn ngon miệng, tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn. Khi các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường, ngày 19.9 bệnh nhân được xuất viện, điều trị ngoại trú.

Vẫn chưa có vaccine phòng bệnh

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh. Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong. Ông Cường cũng cho biết, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng không hề đơn giản. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do whitmore còn cao, lên tới 40%.

Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh. Cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiện phòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn. Xử lý tốt các vết thương ngoài da nếu bị trầy xước, nhiễm trùng và nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

THÙY LINH - MAI THANH | 08:35 24/09/2019