Bác sĩ nhi khoa: mẹ hiền của trẻ nằm viện

I. Ngày Thầy thuốc tại Việt Nam và trên thế giới

      - Ngày Thầy thuốc tại Việt Nam: câu nói bất hủ“Thầy thuốc phải như mẹ hiền” đã có từ lúc nào?

   Tháng 3-1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ đã viết: "Người ta có câu "Lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền", "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

   Ngày 27/02/1955, Bác lại viết thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế. Bác lại dặn dò vấn đề thương yêu người bệnh. Bác viết:

   "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

   Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

   Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng!”.

   Bác Hồ không chỉ nhắc nhở đến trách nhiệm, mà cao quý hơn, thiêng liêng hơn, Bác muốn những người thầy thuốc phải có tình thương yêu người bệnh như những người thân yêu nhất của mình. Vì khi đã có tình thương yêu cao cả ấy, thì việc cứu chữa người bệnh sẽ đạt được những kết quả cao nhất.

   Đó chính là nội dung y đức cách mạng - Y đức Hồ Chí Minh.

      - Ngày Thầy thuốc quốc tế

   Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 hàng năm là Ngày Thầy thuốc quốc tế. Đây là ngày bày tỏ tình đoàn kết và các hoạt động hợp tác của tất cả các bác sĩ trên khắp thế giới. Theo Sigmund Freud, cái tâm của người thầy thuốc phải luôn trong sáng, hết mình vì bệnh nhân, như một tấm gương phản chiếu sức khỏe của người bệnh.

   Trở lại lịch sử, thầy thuốc là một trong những nghề cổ xưa nhất trên thế giới, các thầy thuốc khi chẩn bệnh kê đơn đều phải tuân thủ một lời thề đầu tiên trong nghề chính là Lời thề Hippocrate. Đó là “Tôi sẽ giữ cho đời sống của tôi và nghề của tôi được trong sạch”, đây là bài học vỡ lòng đầu tiên của bất cứ sinh viên y khoa nào. Vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 năm 1971, Tổ chức Nhân đạo Y tế quốc tế được gọi là “Bác sĩ không biên giới” đã được thành lập nhằm trợ giúp nạn nhân thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh trên 80 quốc gia toàn cầu. Tổ chức này do Ủy ban Chữ thập đỏ, Quỹ Nhi đồng LHQ sáng lập, chủ yếu hoạt động dựa trên tôn chỉ nhân đạo và phi lợi nhuận. Y khoa không chỉ là nghề có lịch sử lâu đời nhất mà nó còn là nghề quan trọng bậc nhất trên thế giới bởi nó liên quan đến nỗi đau, bệnh tật, thậm chí là cả mạng sống của con người.

   II. Bác sĩ nhi khoa thể hiện tình mẹ hiền đối với bệnh nhi như thế nào?

   Các nghiên cứu trong các thập kỷ qua đã chứng mình về tầm quan trọng của sự gắn bó mẹ-con trong những ngày tháng đầu đời của trẻ sơ sinh đối với sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ sau này. Đối với những trẻ không may bị cách ly trong khoa hồi sức sơ sinh, vai trò của nhân viên y tế, ngoài việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý thể chất, còn là người mẹ hiền ôm ấp, vuốt ve, nói với trẻ những lời ngọt ngào, êm ái để trẻ cảm nhận được sự bảo bọc, che chở của người mẹ sau khi giả từ chiếc nôi ấm êm là tử cung của người mẹ. Khi trẻ thiếu vắng tình thương của mẹ, trẻ có nguy cơ mắc hội chứng nằm viện hay bệnh trầm cảm vắng mẹ. Hội chứng này có thể được biểu hiện bằng tiếng khóc nức nở của trẻ kèm theo sự nôn ói, bỏ bú, trằn trọc, khó chịu của trẻ. Những triệu chứng này có thể được giảm đi khi trẻ được bồng bế, vuốt ve, mát-xa , nghe tiếng hát ru của mẹ được thay thế bằng những cử chỉ và lời nói ân cần của người nhân viên y tế trong thời gian trẻ phải xa cách mẹ. Người mẹ không được trực tiếp chăm sóc con cũng có thể bị trầm cảm và chính người mẹ cũng cần được bác sĩ quan tâm đến sức khỏe tâm thần để mỗi khi mẹ vào thăm con, thì mẹ có thể thông truyền sự bình an cho trẻ, và giúp trẻ đủ sức vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, đáp ứng tốt với điều trị và chống bình phục để sớm đoàn tụ với cha mẹ.


Vòng tay của mẹ hiền

   “Thầy thuốc phải như mẹ hiền" một câu nói ngắn gọn của Bác, nhưng hàm chứa biết bao ý nghĩa cao cả; đồng thời, đó cũng chính là niềm vinh dự và trách nhiệm nặng nề của những người thầy thuốc - màu áo trắng thanh tao biểu tượng của sự trong sạch và lòng nhân đạo cao cả. Ước gì mỗi thầy thuốc nhi khoa là người mẹ hiền góp phần vào sự hình thành nhân cách của những công dân tí hon hôm nay và những người xây dựng đất nước trong tương lai.

BS. Phạm Ngọc Thanh