Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Các đồng chí kính mến,

Chi ủy kính gởi lời chúc sức khỏe đến các đồng chí nhân dịp ngày nghỉ lễ Quốc Khánh 2 tháng 9. Chúc cho các đồng chí có dịp nghỉ lễ đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình và người thân.

Nhân dịp này kính mời các đồng chí dành chút thời gian đọc bài viết sau để hiểu thêm lịch sử và nguồn gốc của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Việt Nam đã trở thành một quốc  gia có uy tín trên trường quốc tế. Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất Mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9-1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp của Người, đọc Tuyên ngôn 2-9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. 

Điều đặc sắc trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam, là Bác Hồ đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1789.

Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã được Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua ngày mồng 4 tháng 7 năm 1776. Từ đó, ngày mồng 4 tháng 7 được coi là ngày Quốc khánh của nước Mỹ. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ do ông Thomas Jefferson soạn thảo. Ông Jefferson sinh năm 1743, là một luật sư nổi tiếng ở Mỹ. Ông thuộc những người chống đối lại sự thống trị của Anh đối với các thuộc địa trên đất Mỹ. Ông là người đại diện cho bang Virginia, là bang có ảnh hưởng nhất nước Mỹ thời đó, và là luật sư có nhiều kinh nghiệm, và rất hùng biện, nên được Hội nghị Continental cử soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập cho nước Mỹ non trẻ. 

Bác Hồ đã trích dẫn một đoạn ngắn trong phần dưới đây của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, để đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ: “Chúng tôi tin tưởng ở những chân lý tự thân, rằng tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để bảo đảm những quyền ấy, chính quyền phải do nhân dân lập ra, quyền lực của chính quyền ấy phải được nhân dân chấp thuận, và khi bất kỳ một hình thức chính quyền nào đã trở nên gây tác hại cho các mục đích ấy, thì khi đó, chính nhân dân sẽ thay đổi hay xóa bỏ nó, và sẽ thành lập một chính quyền mới, đặt chính quyền mới đó trên cơ sở các nguyên tắc nào, tổ chức quyền lực cho nó theo những hình thức nào, để có thể có tác dụng tốt nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của họ.” 

Rất có thể Bác Hồ đã nhận thấy cuộc đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ thoát khỏi sự cai trị của Anh cũng gian khổ như cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Và nhất là nội dung bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ rất tiến bộ, rất phù hợp với sự xây dựng một nhà nước dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân dân mà nhân dân ta mong muốn xây dựng. Bởi vậy Bác đã trích dẫn bản Tuyên ngôn đó.

Thời điểm tháng 8 năm 1945 là một thời điểm vô cùng may mắn cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Người Pháp thống trị nước ta gần một thế kỷ, nhưng đến ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, quân Pháp bị quân Nhật đảo chính, cướp quyền cai trị nước ta từ tay quân Pháp. Nhưng tháng 8 năm 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki của Nhật, khiến Nhật phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng, lực lượng nước ngoài chiếm đóng nước ta không còn. Đó chính là điều kiện lịch sử tối quan trọng để Cách mạng Tháng 8 thành công. Nếu không có 2 quả bom nguyên tử, nếu Nhật không đầu hàng, thì chắc chắn cuộc “Cách mạng Tháng 8” của nhân dân ta không thể đơn giản. Chính vì vậy, trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta, Bác Hồ đã viết “Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Đơn giản là khi Nhật đầu hàng, nhân dân và lực lượng Việt Minh đã tràn vào các công sở nhà nước không có người cai quản, và tự lập nên chính quyền nhân dân.

Với việc trích dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, có lẽ là vì Bác Hồ rất hiểu nước Pháp, rất hiểu giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Nước Pháp tuy thống trị nước ta, nhưng những giá trị của cuộc Cách mạng tư sản Pháp, lật đổ chế độ phong kiến, những giá trị của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp có tác dụng to lớn đến sự phát triển chế độ dân chủ, tự do chung trên toàn thế giới.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp do hầu tước Marquis Lafayette soạn thảo. Hầu tước Lafayette là một nhà cách mạng có công cho cả nước Mỹ và nước Pháp. Năm 1777, ông đã tự mộ quân lính, đưa sang Mỹ để giúp nhân dân Mỹ chiến đấu giành độc lập từ nước Anh. Sau đó ông trở lại Pháp. Trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, ông là Tư lệnh lực lượng vệ binh quốc gia, và ông đã soạn thảo bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Sau đó Tuyên ngôn này đã được Quốc hội Pháp phê chuẩn. Điều 1 và điều 2 của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp nêu như sau: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi. Sự khác biệt xã hội chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích chung. Mục đích của mọi tổ chức chính trị là việc bảo toàn các nguồn lợi thiên nhiên và bảo toàn các quyền con người không thể bị tước bỏ. Các quyền đó là tự do, tài sản, sự an toàn, và quyền được chống lại mọi sự áp bức”.

Sau khi trích dẫn hai bản Tuyên ngôn bất hủ trên, Bác Hồ đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Bác Hồ tuyên bố ra đời ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 phải là một nhà nước bảo đảm các “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” cho nhân dân.

Có một điều trùng hợp kỳ lạ. Ông Thomas Jefferson viết bản Tuyên ngôn độc lập cho nước Mỹ năm 1776. Sau đó 25 năm, ông được bầu làm Tổng thống nước Mỹ cả hai nhiệm kỳ, từ năm 1801 đến năm 1809. Ông mất vào lúc 0 giờ 50 phút sáng ngày mồng 4 tháng 7 năm 1826. Đó là Ngày quốc khánh của nước Mỹ. Bác Hồ cũng mất vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, đó là Ngày quốc khánh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt.

TRÂN TRỌNG