Khái niệm Tôi và tự tin dưới góc độ tâm lý và văn hóa Việt Nam

Colloque International
Psychologie et Sécurité humaine – Psychology and Human Security
Université Nationale du Vietnam – Hanoi Juillet 2014

Khái niệm Tôi và tự tin dưới góc độ tâm lý và văn hóa Việt Nam

Les concepts de Soi et de Confiance en soi selon la psychologie
et la culture vietnamiennes
.

Cả loài thú và loài người đều có hình tượng tâm trí (image mentale) nhưng chỉ con người có nhân quan và ý thức (conscience) chính mình đang sống hiện tượng ấy và biết tách rời mình và hiện tượng bằng lời nói (paroles) để diển tả hoàn cảnh sống. Khi đó có phát âm và dùng ý tưởng và khái niệm tác động vào môi trường sống. Chẳng hạn tôi đang suy nghĩ về tôi ; tôi là người tình cảm vì tôi biết cảm tình là gì.

Dây chuyền tâm lý từ vô hình đến hành vi hành động.

Bộ não có chức năng tâm trí tạo ra một dây chuyền tâm lý từ nhận thức vô hình đến hữu hình trừu tượng để tác động vào thực tế bằng hành động bởi những hành vi. Không người nào giống người nào nhưng một tập thể người có giống nhau khi sống chung một văn hoá, một lịch sử và cùng chia sẻ một tương lai.

Dây chuyền này bắt đầu từ nhân quan có cảm xúc và cảm hứng (có lạ làm tôi để ý, để tâm) > nhận dạng hình tượng (có hình ảnh trong đầu, trong trí) > cảm giác ý tưởng (các hình ảnh liên kết với nhau vì có gì đó tương đồng nhau) > nhận thức ý niệm (các hình ảnh cấu tạo có ý nghĩa thành ra từ chữ) > chủ trương khái niệm (hình ảnh và câu chữ có ý nghĩa toàn diện, trừu tượng, tổng quát, khách quan: Tôi có thể âm thầm nói trong đầu) > kế hoạch hoá hành động (bằng lời, bằng cử chỉ, bằng hành vi tác động vào thực tế). (Tiếng Pháp : Chaîne signifiant : sensations et perceptions intuitives > représentations mentales > pensées primaires > notions premières > concepts > agi mental et comportemental). Loài thú biết/trải qua một hai giai đoạn đầu và phản xạ bằng hành vi tự động không lời (réflexe) ; trí nhớ loài thú không nhận thức được là thời gian có giới hạn, có khởi đầu và có kết thúc, và loài thú có ngôn ngữ truyền tin nhưng không có trí trừu tượng và lời để trao đổi với nhau khái niệm trừu tượng.

 «Cái Tôi biết là tôi» là một ý tưởng ban đầu sơ khởi (pensée première) khi trẻ sơ sinh nhận dạng mình là con người nguyên vẹn tách rời (da thịt) ra khỏi bụng người sinh ra (người mẹ). Lúc đó chưa thành khái niệm «Tôi là con người». Ý tưởng ban đầu sơ khởi từ cảm xúc sinh lý không cần chứng minh «tại sao nó là vậy» ; cơ bản là để phân biệt cái gì nguy hiểm và cái gì thuận lợi. 

Câu hỏi đầu tiên về nguồn góc ý tưởng « Tôi » và sinh hoạt như thế nào có ba loại trả lời. 

1) Từ tế bào bộ não và hoá chất kết hợp với mô hình « điều khiển học » (cybernétique) của máy vi tinh. Nhưng không trả lời câu hỏi : ai tạo ra mô hình ấy ?

2) Ai « tạo thiên lập địa » ? Truyền thống Việt Nam có mô hình « Ông Trời ». Nói cách khác là một số tôn giáo hoặc tín ngưỡng có giả thuyết « Trời có Chúa » (Đức Chúa Trời) nên « Chúa sanh ra con người » (Ki-tô giáo : Jesus là con của Chúa). Nhưng Chúa là ai, là gì ? Ai sanh ra Chúa ? Vậy, con người có chức năng tin (tức là tự tin) hoặc không tin (tức là tự tin là mình không tin) những câu giải đáp đó là đủ thoả mãn. Đấy là phương pháp tôn giáo. Như thế, tâm lý học có thể giải thích thêm như thế này : Con người « tạo » Chúa là một khái niệm tâm lý đỉnh cao, một lý tưởng hoàn hảo, tuyệt đối để giải đáp tất cả các bí ẩn không hoặc chưa giải thích và hiểu được. Do đó, tâm lý con người có hai loại tin tưởng : tin theo một Lời có tính chất thiêng liêng toàn bộ viết trong kinh điển (không cần phương pháp chứng minh mà chỉ khai triển) và tin theo phương pháp luận con người lập ra nhưng các phương pháp này có luật giới hạn của nó. Như thế, cái Tôi có hai tầng tin tưởng kẹp đôi tôn giáo và khoa học trong xã hội : a) Loại tin tưởng khoa học là sẽ hiểu những gì Tôi không/chưa biết ; b) Loại tin tưởng tôn giáo là Tôi không biết nhưng có Người biết trước tôi nên cái gì cũng có sự giải thích, có cách làm. 

3) Phật học là một triết học và một tôn giáo không có Chúa Trời, không có Thượng đế, không có giả thuyết về tạo thiên lập địa. (Tôn trong nghĩa tôn trọng, Giáo trong nghĩa dạy bảo). Phật lý nhận xét con người luôn luôn có bí ẩn là phần dốt của sự đau khổ để giác ngộ đến sự thật của cuộc sống.Theo tâm lý đó, con Người là sự cố của vũ trụ ngày ban đầu (Ngọai trừ phái Phật Tây tạng). Câu hỏi về nguyên nhân «ai tạo ra con người » không thể có câu trả lời ; chỉ có phương pháp « như thế nào » là hợp lý từng người tự do và tự ý trả lời qua cách sống. Cái Tôi thật – gọi là bản Ngã (tiếng Hán là Ngộ) – tổng hợp năm uẩn (Ngũ uẩn) cấu tạo tâm linh và tâm trí con người trong đó cảm xúc và ý tưởng là hai ngôi. Ngũ uẩn : Sắc (tức sáu giác quan), Thụ (tức cảm giác), Tưởng, Hành, Thức. (Tiếng Pháp : Les Cinq Attributs : l’apparence, la perception, la pensée, l’action, la connaissance).

Do đó, khoa học luận như thế này : Con người có khả năng và tạo điều kiện phác hoạ khái niệm (concept) như một dụng cụ để sống và nắm thực tế bằng cách cụ thể hoá cảm giác bằng định chuẩn (critères), ghi ranh giới (limites) và tạo luật nội cơ cấu sinh hoạt (lois internes).Từ đó, « Cái Tôi sinh hoạt ra sao ? ». Cái Tôi là một khái niệm trừu tượng, thành một biểu trượng (symbole) dùng để suy luận. Ví dụ : tôi đói bụng tìm cơm. Cái Tôi đó là một ý niệm riêng của tôi về tôi trong điều kiện cảm xúc đói bụng đưa đến hành vi tìm cơm. Khi cái Tôi là một khái niệm thì cái Tôi ấy biết nhận thức (ví dụ đói bụng là chuẩn), biết ranh giới (tôi ăn cơm nhưng bạn mình có đói không, có đúng giờ không ?) và luật nội cơ cấu sinh hoạt là đưa đến hành động (tôi đi tìm nơi ăn cơm. Những người khác đói bụng thì họ làm sao ? Nhân ái là gì ?). Cái Tôi đó sẽ liên quan đến sinh hoạt lao động, giá trị bữa ăn, chức năng xã hội.

Nói như thế để biết là cái Tôi có phần chủ quan nhưng vẫn là khách quan. Và ngược lại, khi thành một khái niệm thì cái Tôi « nhiều » khách quan hơn nhưng vẫn có phần chủ quan vì là hai khía cạnh biện chứng đều do con Người phát ra. Phần chủ quan nhiều là « tôi vì mình » và phần khách quan nhiều là « tôi cho mình » luôn luôn kết hợp trong ý nghĩa của hành động. Ví dụ : tôi làm cho anh vì tôi (muốn giúp) nhưng đồng thời tôi làm cho anh cũng cho tôi (vì có lợi cho tôi). Vì thế, cái Tôi của Tôi không cớ gì thua cái Tôi của bạn (công lý xã hội công dân) nhưng cái Tôi chấp nhận một khuôn khổ nhất định (cơ quan hay xí nghiệp) là điều kiện và hệ thống phân cấp xã hội (hiérarchie légitime). Tức là cái Tôi chấp nhận cách sống có thứ tự, có giáo dục và có kiến thức. Thuyết S. Freud nói trên cái Tôi có luật điều khiển tâm lý gọi cái « Trên-Tôi »(tiếng Pháp : Surmoi).

Như thế khi cái Tôi lên tầng trên thành khái niệm thì khả năng suy luận được mở rộng. Từ đó cấu tạo cái « Tôi tập thể ». Cái Tôi tập thể là Tôi cùng loài người với bạn, cùng sống chung với bạn, thấy an toàn với bạn vì chúng ta giống nhau nhưng bạn là bạn và tôi là tôi. Do đó có hai từ : « đồng » và « chung ». Như thế, loài Người giống nhau (đồng hương = cùng mùi ; đồng bào = cùng tế bào, con cháu Âu Cơ Lạc Long Quân) nhưng từng người biết mình có khác biệt. Khi nội tâm ý thức sự khác biệt thì tâm lý ý thức cùng giống loài giống. Vì có sự giống nhau nên phải « chia » và khi riêng cho tôi thì phải « sẻ » rời ra => chia sẻ. Từ « cùng » là hành vi và ý tưởng nối liền cái riêng tư với cái công cộng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Về tâm lý ngôn ngữ (psycholinguistique) chữ « đông » có ý nghĩa gần chữ « đồng, đống »; và « chung » gần chữ « chúng ». Khái niệm « thể » (tiếng pháp : corpus) dùng để kết những yếu tố giống nhau với nhau : nhân thể, cá thể, thân thể, đoàn thể, thể chế, thể hiện…

Giữa cái Chúng-Ta tập thể (cái chúng tôi) và cái Ta cá thể (cái tôi), sinh hoạt tâm lý xã hội có một nghịch lý gọi là nghịch lý Bossuet (Paradoxe de Bossuet*) : ai cũng đồng ý nguyên tắc đóng thuế nhưng có cá nhân muốn giảm thuế (luôn cả trốn thuế). Ai cũng đồng ý tuân thủ pháp luật nhưng người có quyền thế có khi không theo pháp luật và tự làm pháp luật cho mình. Nói cách khác, tánh cộng đồng không phải là bài cộng của tất cả tánh cá nhân vì hai khái niệm đều là « thể chế tâm lý » riêng biệt cần phải kết hợp nhau qua thảo-ý và lý-luận (thảo luận=délibération**). Từ đó mà ra khái niệm « Chuẩn » như một nếp sống. Nói cách khác, chuẩn là mức đo lường và là yếu tố công bằng kết nối cá thể với tập thể trong khái niệm an toàn và tin cậy có giá trị với mọi người. Từ đó mới có hành vi và hành động không đối kháng với cái Tôi và với cái Chúng Tôi.

Cái Tôi, cái Ta và cái Tự mình tôi

Luận theo âm dương tâm lý Á đông thì xem như thế này : có giống là có khác biệt mà biện chứng ấy từ một gốc duy nhất chứ không phải là cái này loại trừ cái kia trên ngọn. Biện chứng là động cơ vận chuyển không bắt buộc là biện chứng đối kháng (biện chứng không đối nghịch của E. Kant). Nếu có lời thì có sự im-lặng: chánh gốc là con người hơn là nội dung lời nói. Nói cách khác, để hiểu biết cái Tôi thì tôi từ vòng ngoài nhận thấy tìm hiểu thêm những gì « không phải là Tôi » (không phải cho tôi, của tôi, vì tôi = Tôi chấp nhận không là trung tâm và không làm trung tâm). Mà chỉ có tôi mới nhận dạng những gì không phải là tôi, cái gì ngoài Tôi mà từ đó cái Tôi mới toàn diện. Luận theo Phật học « có như không, không như có » thì Vô-ngã vẫn là tôi vì chính tôi nhận thức việc này nhưng tôi đã xoá tính cá nhân cho rằng « tôi là rốn của vũ trụ ». Cái Tôi đó rộng bao la, thoát cá nhân tính nên có khả năng tưởng tượng không giới hạn, và sau đó để trở về cụ thể xây dựng thực tế có hạn định bằng ngôn ngữ kết nối chúng sinh.

Nói như thế, khi Tôi nhận thức Tôi là tôi, thì tôi vẫn sinh hoạt với cái gì ngoài Tôi, ngoài khối tôi kiểm soát, tức là với người khác. Sự việc này công hiệu là một tấm kiếng/kính (tấm gương) soi ngược về để Tôi tin chắc là cái hình tôi thấy là Tôi. Trẻ con chào đời cần cặp mắt và tiếng hồi âm của cha và mẹ làm tấm gương soi nhận dạng biết Tôi là tôi, con là con, người ấy là người ấy. Không nhầm người, không nhầm tên họ tôi. Từ đó cái Tôi bên trong (tiếng Pháp : le Moi) ghép với tiếng bên ngoài vang vào thành khái niệm « Ta » (le Soi). 

« Tôi là tôi » sẽ mạnh mẽ hơn khi thét lên được « Ta là ta » : Tôi hết là tôi tớ, tôi hết sợ. Cái nào « cứng » hơn cái nào ? Ví dụ hai câu : « tôi nói với tất cả », « ta nói với tất cả » thì dùng chữ « Ta » cứng hơn, chắc chắn hơn. Nói cách khác, tánh tự tin là từ cái Tôi bên trong cấu kết với cái Ta từ bên ngoài kiểm chứng con người tôi là thật. Khi chuẩn bên ngoài hòa nhịp với chuẩn bên trong thì tâm lý nội tâm thăng bằng đem đến sự an toàn và an tâm đồng đều hỗ trợ nhau. 

Sự tự tin là tinh thần an toàn và an tâm khi tin cậy + tin tưởng.

Tấm lý Việt Nam có khái niệm tập thể dùng từ « Chúng » ghép với « Tôi » thành « Chúng tôi » (tập thể điểm danh được) hoặc ghép với chữ « Ta = chúng ta » (tập thể vô danh). Ngược lại là « chúng nó». Chúng tôi và chúng ta là số đông nhiều cái Tôi hay nhiều cái Ta chụm vào và kết nối nhau. Quan điểm tây phương về tâm lý đám đông thì xem tâp thể như tách rời với cá thể, một chụm nhưng không bắt buộc kết nối nhau : tiếng Pháp : Nous/On, tiếng Anh : We/Men. 

Như thế, để diển tả nội cảnh thì dùng cái Tôi hơn, và để diển tả ngoại cảnh thì dùng ưu tiên cái Ta mạnh mẻ hơn. Cập Tôi-Ta (le Moi/Soi) kết hợp với nhau thành cặp tự tôi-tự ta (gọi là Ego) đầy đủ tinh thần trách nhiệm, không sợ những gì sẽ đến trong tương lai, có tánh tự chủ về tâm trí và thân thể mình đối với mình, túc là « tự mình một mình mình; tự mình tôi ». Trong bệnh lý, khi cái « Tự tôi » (Ego) quá lớn, quá mạnh mẽ đến mức bất chấp môi trường, cái gì cũng cho là mình có lý và người nào không theo mình là có ý đồ hại mình thì đó là phân tâm paranoïa.

Cụm từ « một mình mình » có nghĩa là mình tự kiểm soát chính mình, mình lấy mình làm gương soi, mình biện chứng với mình, tức là bước đến giai đoạn đạo đức từ chính mình quản lý định đoạt theo lẽ phải. Đối chiếu với chuẩn « đạo đức » bên ngoài là khái niệm « lương tâm ». Cặp « Đạo đức-Lương tâm » thành chuẩn triệt để tạo cho con người một nhân cách chính thống chống sợ khi ra hành động. Do đó, « Tự Do » là một khái niệm tâm lý có chuẩn mực trật tự chứ không phải là một khái niệm vô trách nhiệm bừa bãi lẩn lộn với ý niệm « thoát, giải phóng, giải vây ». « Tự-do » là Tự một mình tôi (cái Tôi bên trong) và Do là do tôi, từ mình tôi quyết định do lương tâm tôi (trách nhiệm bên ngoài do mình). Có Tự-do mới có tự lập, từ tự lập mà có độc lập bản thân. (Độc trong nghĩa duy nhất, tôi là tôi). 

Nói tóm lại có hai điểm: 1) Tinh thần an toàn là tin cậy + tin tưởng. 2) Tánh tự tin an toàn xây dựng tinh thần đạo đức trách nhiệm chống sợ hãi là từ lương tâm ra. Để bảo đảm hai điểm này là khái niệm « Đúng ». Và kiểm soát cái « Đúng » bằng lý trí, lý luận và tình cảm tự mình tạo ra ; và từ bên ngoài chia sẻ ý kiến là đúng, là sai, hay là đúng phần nào.

Địa bàn tâm lý cái Tôi con người

Không ai sống đứng một chổ : cái Tôi/con Người biết thay đổi quan điểm với thời gian và thời cuộc. Đó là ý nghĩa tâm lý thật cụ thể về Vô Thường của Phật học. Ngành tâm lý học định nghĩa khái niệm Tôi một cách trừu tượng nên có giả thuyết cái Tôi « trưởng thành » như một bộ máy chạy tốt không thay đổi bên trong với không gian và thời gian nhờ một bộ phận hoà nhập và thích nghi.

Nếu chúng ta xem cái Tôi « sống » thì có thể luận như thế này. Cái « Tôi » sinh hoạt theo một địa bàn hình tam giác có ba ngôi và địa phận ngoài địa bàn là môi trường sống, tức là « những gì không thuộc Tôi » : A) Ngôi Sự thật/thật sự ; B) Ngôi Lý tưởng/biểu trượng ; C) Ngôi tưởng tượng/mơ tưởng. 

Hình này rộng lớn, cứng mềm hoặc các ngôi xa gần với nhau là phần lớn tuỳ vào giáo dục, xã hội, văn hoá, kế thừa tâm lý (nghiệp) và điều kiện sinh học, có thay đổi với thời gian và tình hình. Nếu hình rộng lớn thì tánh tình sẽ rộng rãi. Hình cứng hay mềm hoặc các ngôi xa gần với nhau là đối phó với những gì « không phải là Tôi » sinh ra hành vi, hành động, triệu chứng xã hội hay bệnh lý. Các ngôi đều quan hệ hai chiều và hổ trợ với nhau, luân chuyển với thời cuộc và môi trường. 

A. Ngôi Sự thật-Thật sự. 

Con Người « bình thường » không thể nào khẳng định mình là 100% khách quan hoặc 100% chủ quan vì cái xác định đó xuất phát từ chính mình. Con người không phải là một bộ môn 100 % khách quan (ví dụ như toán học) mà là một cơ thể biết cảm giác (sensation) và trí giác (perception) với độ chủ quan và khách quan đan xen với nhau sinh ra một trạng thái gọi là « tình cảm ». Nói cách khác, mọi phát minh khách quan đều có yếu tố con người tìm ra trước khi đạt đến mức « khách quan » nhờ trí tuệ định nghĩa bộ môn tách rời người sáng chế. Từ đó lấy cái khách quan làm chuẩn và làm dụng cụ phục vụ và kiểm soát chủ quan con người. Ngay « tình cảm » cũng thành khách quan gọi là « cảm tình ». Và từ đó, bộ môn tâm lý khoa học có thể ghép đôi phương pháp phân tách con người với khái niệm khách quan về con người. Và cũng từ đó, lòng tin đi đôi với phương pháp tin tưởng bằng lý trí, tức là tôi tin nơi phân tích và có lập trường về tôi. Thêm vào đó, mọi phân tích tâm lý có độ khách quan và chủ quan của người làm phân tích và người « được » phân tích. 

Trong bệnh tâm lý, các vấn đề này rất rõ. Chẳng hạn: ông có cảm giác là vợ tiêu pha rất phung phí nhưng không kiểm chứng ăn xài gia đình như thế nào. Ông lấy cảm giác đó là một nhận thức khách quan theo lịch sử gia đình mẹ ông nên có hành vi khách quan trên một chủ quan riêng của ông cho rằng nuôi con cái quá tốn kém.

Hiện tượng học phân biệt biện chứng giữa « Sự thật » (la vérité) và « Thật sự » (la réalité) thêm vào đó có yếu tố văn hoá. Văn hoá phương tây trình bày hai khái niệm này với hai từ khác nhau. Văn hoá Việt Nam trình bày quan hệ biện chứng âm dương đối chiếu chéo với nhau giữa sự-thật và thật-sự. Cái khoảng cách giữa sự-thật và thật-sự không giải quyết bằng cách cái này phải thật hơn cái kia mà là bằng khái niệm « Đúng » và « Trung » (trung dung). Ví dụ: Sự thật là thấy mặt trời mọc hướng tây và ngả hướng đông nhưng thật sự là trái đất quay chứ không phải mặt trời di chuyển. Như thế, hai quan điểm đều là đúng nhưng cái ta thấy là khách quan của chủ quan chứ cái khách quan của khách quan là luật vũ trụ về mặt trời.

Nói cách khác, ngôi sự thật-thật sự là nơi để điểm cái « cụ thể ». Cái cụ thể đó có thể là vật chất hay vô hình (giấc mơ) nên phải ghép với cái « tình thật » như một dụng cụ cho con người đánh giá cái « đúng » hay cái « sai » theo chuẩn lương tâm và đạo đức chớ không theo quan điểm tội và lỗi. Từ nguyên tắc ấy, tánh tình con người có thể cho tự cho phép mình « nhuyễn » hơn, dễ dãi hơn với cái không đúng, cái không sai, cái khi đúng khi sai. Tức là từ chuẩn cũ sinh ra chuẩn mới vừa toàn diện hơn vừa chi tiết hơn. Nên ghi chú « nói láo » là một sự thật trên một chuyện không có thật. Cũng như tin đồn : đây là tin thật trên một sự cố không có.

Khả năng phân xét và biết cái đúng và cái sai là nhờ có những mô hình trong trí nhớ có kinh nghiệm và theo lý tưởng sống. Do đó, cuộc sống có ba cọc :  giáo dục, kiến thức, tình cảm. Nhưng tức khắc những kinh nghiệm đó, cái thực tế đó, cuộc sống đó kiểm chứng lại các mô hình và các lý tưởng. Muốn thay đổi thực tế (ngôi A) và lý tưởng (ngôi B) phải có khả năng tưởng tượng (ngôi C) để điều kiện thực tế và các mô hình lý tưởng không lặp đi, lặp lại bản cũ không vượt qua được.

B.Ngôi Lý tưởng- BiểuTượng.

Con người sống phải lập ra kế hoạch tương lai, tức là khi ở thời điểm nào đó (thời là thời gian, điểm là nơi trong không gian) thì có cơ động/có vận động trong trí tác động vào cụ thể để chuyển biến mình sang giai đoạn sau (chuyển = đổi, và biến cái trước/cái cũ thành cái mới hiện đại và tương lai).

Điểm đầu là xem cái có (thực tại) và cái chưa có (cái mong muốn) theo chuẩn có và chuẩn lý tưởng, và đo lường việc này với kỷ niệm thành công, với những thất bại và vỡ mộng. Được thế nhờ điểm sau là phải có mô hình dùng để phân tích và hướng dẫn suy nghĩ ra kế hoạch : theo hay không theo, đúng phần nào đó, đồng ý, không đồng ý. Hậu quả là điểm báo gây lo âu, băn khoăn, sợ sệt, bệnh tật. Như thế, con người cần biết luật lệ và tạo ra chuẩn để vừa thay đổi, vừa hạn chế lo sợ, vừa từng bước xây dựng cái mới. Hoang mang là trạng thái bình thường trong giai đoạn xây dựng tự tin.

Ngôi lý tưởng-biểu tượng tập hợp những mô hình dùng để định hướng, từ những mô hình cụ thể đến những mô hình thật trừu tượng. Ngược lại, tình hình cụ thể duy vật cần thiết để tạo những cái mới thay đổi mô hình cũ cho nó xác thực. Cái Tôi không vướng trong thế giới giả tạo, không gây ảo tưởng và ảo giác cho đó là sự thật của tương lai. Tức là bóp tương lai vào một ý tưởng vì mình cứ muốn như thế là như thế.

Nói cách khác, ngôi lý tưởng-biểu trượng bao gồm những khuôn tâm trí, những mẫu hình con người, những mô hình suy luận (ví dụ, tư tưởng hệ). Như thế, con người có điểm tựa để thay đổi từng đoạn kinh nghiệm đã qua, xem xét kế thừa đang hưởng, giải thoát khỏi cái xưa và phát minh cái sắp tới theo thời cuộc. Tức là đầu óc biết tưởng tượng sự tiến bộ đúng với môi trường sống thật của con người.

Con người sống phải có lý tưởng tuyệt vời cụ thể hoá bằng những mơ tưởng « thật vật chất » ví dụ như là có đồ đạc, có trang bị, có trường học, có mái nhà…Nếu chỉ mơ vật chất không lý tưởng thì đến ngày nào đó không còn thấy lẽ sống.

C.Ngôi Tưởng tượng-Mơ tưởng

Con người sống có óc tưởng tượng và mơ tưởng để thoát khỏi thực tế và suy nghĩ xa hơn các mô hình đã có. Về sinh học, con người phải có giấc ngủ và trong giấc ngủ, luôn luôn có mơ. Mơ là sinh hoạt thật của bộ não, nội dung là sự thật của tâm lý nhưng không có thật trong đời sống cụ thể ban ngày. Trong xã hội, sinh hoạt văn học và nghệ thuật là thể hiện đời sống cộng đồng biết tưởng tượng và biết mơ. Ta gọi đó là hy vọng và niềm tin. Như thế, nhờ có tưởng tượng mới có sáng tạo, nhìn thực tế một cách mới mẻ, mở khóa các mô hình để cải thiện đem đến sự tiến bộ. Nội dung tưởng tượng và mơ tưởng là thực tế nhưng có thể không cụ thể. Có những chủ đề tốt đẹp thơ mộng nhưng cũng có những chủ đề không thể không khiên suy nghĩ. Do đó khái niệm duy tâm và duy vật phải xét đúng với sinh hoạt nội tâm thật của tâm lý. Chẳng hạn, yêu là duy tâm có thật nhưng không/chưa cụ thể. 

Nói cách khác, ngôi tưởng tượng và mơ tưởng là sàn diễn của sân khấu tự do sáng chế và khai triển theo nhu cầu tâm lý đem đến một nội dung sống cho cuộc sống. Vì ngôi này liên đới với ngôi sự thật và ngôi lý tưởng nên con người không lao vào thế giới giả và thế giới ảo.

Địa bàn tâm lý hành vi và hành động.

Địa bàn hành vi là một địa phận của một thời gian, có không gian nhất định và ghi theo lịch sử con người. Địa bàn này định nghĩa tánh người thể hiện qua cách sống và cách ăn ở riêng tư phù hợp với nhân cách, là mặt nổi của văn hoá riêng con người.  

Địa bàn này có bốn điểm là : 

Điểm/Khối O : Sự hiểu biết và giáo dục (Le savoir-éducation) ;                                                              
Điểm L: Hiểu biết cách sống (Le savoir-vivre) ;                                                                                
Điểm M: Hiểu biết cách cư xử (Le savoir-maintien) ;                                                            
Điểm N: Hiểu biết cách diễn (Le savoir-être).
Địa bàn tâm lý hành động có bốn khối. 

Khối/Điểm O : Sự hiểu biết và kiến thức (Le savoir-connaissance) ;                                                      
Khối P : Điều biết làm (Le savoir-faire) ;                                                                                  
Khối Q : Điều cần làm (Le devoir-faire) ;                                                                                    
Khối R : Điều phải làm (Le falloir-faire).

Chìa khoá thành công khai trí của cuộc sống là giáo dục và kiến thức : Giáo dục là hấp thụ những kế thừa cách sống và cả kiến thức, và Kiến thức là địa phận khách quan nhất của hiểu biết có phương pháp đổi mới cuộc sống bằng lên chương trình, hệ thống và kế hoạch. Con người có kiến thức và học thức không bắt buộc là người có giáo dục, có khi còn tệ hơn. Và người có giáo dục là một loại kiến thức rất đặc biệt là biết sống.

Cái nguy nhất của các địa bàn này là cái dốt, tức là « tôi-không-biết-là-tôi-không-biết ». Khi tôi không biết là tôi không biết thì tôi nghĩ tôi có kiến thức, hoặc tôi tưởng tôi biết nhờ tưởng tượng hay suy diển. Ví dụ, tôi nói người kia như thế này thế kia nhưng thật sự là tôi không biết là tôi không biết cách sống của họ nên tôi lấp cái dốt của tôi bằng suy diển từ chuyện nghe đây, đó. Như vậy, tôi xây dựng những hành vi thích ứng với cái tôi tưởng : hành vi thật trên một tưởng tượng do cái dốt dẫn đến.

Kết luận

Ngay khi tôi ý thức « Tôi là tôi » thì tôi đã tự tin nơi tôi có nhận thức đó là đúng vì chính tôi không nhầm lẫn tôi với người khác. Vấn đề kém tự tin hoặc không tự tin là những lúc hay những giai đoạn sinh hoạt mà cái Tôi đang lấy lại thăng bằng vì bình thường Tôi đã tự tin xác định tôi là tôi. Vị trí tôi do dự và băn khoăn này là trạng thái phổ thông. Nếu không có những hồi âm ấy thì con người sẽ chết hoặc mất trí. Vì cái thử thách đó nên lúc kém tự tin hoặc mất tự tin là nhớ đến một nguy cơ có thể đến. Do đó, cái tôi thường nhớ những lúc yếu đuối ấy mà phát ra sợ hơn là những lúc cái tôi tự tin đã lấy những quyết định và có hành vi thật bình thường mà không biết.

Chuẩn tâm lý lúc nào cũng rất phức tạp và uyển chuyển. Vì thế chuẩn nào cũng cần có những chuẩn bên ngoài khách quan vững chắc hổ trợ chuẩn bên trong. Đó là tương quan giữa Luật xã hội và Luật con người. Luật xã hội tuỳ khuôn/khung cảnh tâm lý đám đông và cách tổ chức xã hội quan hệ con người. Luật con người tuỳ văn hoá, trình độ văn minh và văn học chỉ dẫn tâm, trí và tình. Nội dung pháp luật và nội dung lời nói phải đi đôi, phải có phương pháp kiểm chứng thế nào là đúng với nhu cầu và chờ đợi của con người. Thêm vào đó, phải có những biện pháp trừng trị và sửa sai nếu không đúng. Chỉ như thế, lòng tin và lòng tự tin mới duy trì và đi đôi với nhau : con người tin nơi mình vì tin nơi chuẩn xã hội công bằng đối với con người.

Chuẩn là một trong những điểm cụ thể của lý tưởng, là một bậc thang xã hội để mọi người soi như một yếu tố công bằng. Ví dụ : chuẩn nước sạch thì nước phải sạch cho tất cả công dân giữ đúng sự tin cậy nơi cơ quan quản lý nước sạch.

(*) Jacques-Bénigme Bosuet (1627-1704)

(**) Xem Plato. Đối thoại Socratic 1. Nguyễn Văn Khao duicj, chủ giải và dẫn nhập. Nxb Tri Thức, 2011 (Giải Phan Chu Trinh).                                                                                                           
Tác giả : Lương Cần Liêm, Ts.Bs tâm thần học, Ts Tâm lý học. Giảng viên Đại học Paris.

Cảm tạ Kg Nguyễn Tuấn Anh (báo Sinh Viên Việt Nam) đọc lại.

Paris 02/04/2014.