GS.VS. Dương Quang Trung với sự phát triển ngành Thần Kinh Thành phố Hồ Chí Minh

Tôi bảo vệ nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc tháng 10.1974, trở lại công tác tại khoa tâm thần kinh bệnh viện Bạch Mai. Cuối 1975 Bộ Y tế điều tôi vào công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy và Trường Đại Học Y Dược TP.HCM. Thực trạng màng lưới điều trị thần kinh trong các bệnh viện thuộc thành phố sau 1975 chỉ có 3 khoa tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bệnh viện Trưng Vương và bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Các bác sĩ phụ trách không chuyên nghiệp. Nhiều bệnh viện khác chưa có khoa thần kinh. Sau những lần gặp gỡ làm việc với Viện sỹ Dương Quang Trung (anh Tư Trung), bàn với tôi về xây dựng màng lưới điều trị thần kinh cho các bệnh viện thuộc Thành phố.

* Công tác đào tạo con người được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc giảng dạy về thần kinh theo chương trình chung của Trường Đại Học Y Dược TP.HCM, bộ môn thần kinh được phép đào tạo chuyên khoa. Năm 1978 khóa đầu tiên được 6 bác sĩ, biên chế cho bộ môn và khoa thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy. Những năm sau mỗi năm được từ 6 đến 8 bác sĩ, bắt đầu cung cấp cho các bệnh viện của Thành phố và các tỉnh thành phía Nam. Các bác sĩ này được tiếp tục đào tạo thành chuyên khoa cấp I, cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ.

* Tổ chức, thành lập các khoa thần kinh tại các bệnh viện nói chung thuận buồm. Riêng bệnh viện 115 chúng tôi có gặp khó khăn vì chỉ sau tháng 8.1989 mới chính thức chuyển từ quân y sang cho UBND TP, và do trực tiếp Sở Y tế TP quản lý. Bộ môn thần kinh cử 2 cán bộ giảng sang hỗ trợ và giảng dạy cho sinh viên. Các thầy thuốc quân y cũng hòa nhập và học thêm trở thành chuyên khoa cấp I và cấp II. Anh Tư Trung quyết tâm đầu tư kỹ thuật cao, cho người đi học và máy chụp cắt lớp (CT Scan) đầu tiên của Việt Nam được khai trương tại đây. Nay bệnh viện 115 trở thành bệnh viên đa chuyên khoa lớn của thành phố, trong đó có chuyên khoa thần kinh và khoa bệnh lý mạch máu não. Tại đây cũng có nhiều chuyên khoa sâu khác như chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, tim mạch,...

Những tháng cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90, cường độ, sức làm việc và sự đóng góp của anh Tư Trung quá lớn:

+ Năm 1989 thành lập Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế nhằm thiết lập mô hình Trường-Viện-Cộng đồng đào tạo các cán bộ y tế hướng về cộng đồng. Chủ nhiệm bộ môn phần lớn là những giáo sư, bác sĩ đầu ngành của các bệnh viện chuyên khoa thuộc thành phố như GS. Ngô Gia Hy, GS. Phạm Biểu Tâm, Văn Tần, Võ Văn Thành, Ngô Tôn Liên, Trần Văn Bé… và một số chủ nhiệm bộ môn của Trường Đại Học Y Dược TP.HCM và bệnh viện Chợ Rẫy như GS. Đỗ Đình Hồ, Ngô Bảo Khang, Lê Văn Thành, Phùng Văn Đức, Lê Điền Nhi… Do nhu cầu đào tạo cán bộ y tế ngày một lớn, đến năm 2008 Thủ tướng chính phủ cho phép thành lập Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch trên nền tảng của Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế. Nhờ sự đổi thay này, đội ngũ cán bộ giảng hiện nay tăng lên nhiều so với trước. Trường có 44 bộ môn, đã đào tạo gần 2.000 bác sĩ, đào tạo sau đại học như chuyên khoa cấp I, cấp II, cao học và tiến sĩ.

+ Một dấu son cho đến nay nhiều người còn nhớ, tháng 4.1988 trên cương vị giám đốc Sở Y tế TP.HCM, anh Tư Trung đã tập họp trên 70 giáo sư và bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau tổ chức cuộc mổ thành công tách đôi cặp song sinh 2 cháu Việt - Đức kéo dài 15 giờ. Bệnh nhân đã lớn, dính phức tạp, nên đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness. Kết quả này đã gây tiếng vang trên thế giới và với nhân dân toàn quốc.

+ Sở Y tế, đứng đầu là anh Tư Trung, hợp tác tốt đẹp với giáo sư Alain Carpentier, chủ tịch Hiệp hội Carpentier (Pháp) xây dựng Viện tim đẹp về kiến trúc với trang thiết bị hiện đại, cán bộ phần lớn được đào tạo tại Pháp, khánh thành năm 1992, hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính. Đầu tiên chúng ta có một cơ ngơi đồ sộ như vậy.

Một số đóng góp khác có tính đổi mới và “xé rào” của Anh Tư Trung:

+ Đề xuất với lãnh đạo TP cho phép y bác sĩ được phép khám bệnh tại nhà, nhờ vậy cải thiện đời sống, anh chị em tránh phải làm thêm những nghề tay trái. Theo hình thức này hiện nay có biết bao bệnh viện, trung tâm và phòng khám tư nhân đang hoạt động trên toàn quốc, giúp giảm tải cho các bệnh viện tỉnh và trung ương.

+ Ông đã góp phần thành lập Trung tâm chẩn đoán y khoa (Medic), một mô hình xã hội hóa sử dụng kỹ thuật cao phục vụ một cách hữu hiệu cho nhân dân thành phố và các tỉnh thành phía Nam.

Tôi thầm nghĩ sao anh Tư Trung có những nét giống ông bí thư Kim Ngọc, người đề xuất chính sách khoán trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối năm 1959.

+ Anh Tư Trung đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu là Pháp. Nhiều GS Pháp đã sang giảng dạy định kỳ tại các bệnh viện và Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Trên một trăm bác sĩ Việt Nam đã được sang tham quan và học tập tại Pháp. Riêng bộ môn thần kinh chúng tôi cũng có 5 bác sĩ được hưởng ưu đãi này.

+  Ở tuổi 80, anh còn tập hợp chúng tôi thành lập Viện nghiên cứu phát triển sức khỏe cộng đồng. Ông kiêm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành và hội y tế Thành phố và Trung ương.

Một nguyện vọng của tôi và anh Tư Trung chưa đạt được là con người có bao nhiêu hệ và cơ quan thì đã thành lập được các bệnh viện, viện chuyên khoa, riêng khối óc là cơ quan quan trọng bậc nhất chưa có viện hay bệnh viện chuyên sâu. Năm 1988 tôi có đề nghị và anh Tư thấy được tầm quan trọng. Chúng tôi đã được Thành phố cấp cho khu đất cạnh bệnh viện 115 (nay là khu mới xây của bệnh viện 115 nằm trên đường Sư Vạn Hạnh).

Dự án viện thần kinh đã nhờ kiến trúc sư vẽ và dự trù. Nhưng tiền không đủ phải vay nước ngoài khoảng 2 triệu đô la. Trong một buổi họp với UBND TP.HCM đề xuất giúp tài chính cho việc xây dựng Viện thần kinh, về phía Sở có Anh Tư và trưởng phòng tài chính Sở, chúng tôi gồm tôi, BS. Phùng Văn Đức và Lê Điền Nhi, cùng đại diện Quỹ Tiền tệ Châu Âu. Tiếp đoàn là Phó chủ tịch UBND TP bà Phạm Thị Phương Thảo. Hỏi và được vị đại diện Quỹ trả lời đây không phải là tiền viện trợ mà là cho vay ưu tiên lãi suất 5% năm. Thời gian này chúng ta đang gặp rất nhiều về kinh tế, UBND và Sở đều thấy không giải quyết được. Hiện nay bản vẽ thiết kế tôi còn giữ, nguyện vọng đến bao lâu để hệ thần kinh có được bệnh viện hoặc viện nghiên cứu và điều trị chuyên sâu!

Sau khi anh Tư Trung mất, trong một số buổi họp và nói chuyện riêng tư, tôi và vài anh chị em có đề nghị nên có một con đường mang tên DƯƠNG QUANG TRUNG để tri ân và để thế hệ sau học tập, hợp lý là đoạn đường nằm giữa Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện 115.

GS.TS. Lê Văn Thành