Chuyện ghi từ phòng khám miễn phí của vị bác sĩ già

Bác sĩ Trúc Hạnh đang khám cho bệnh nhân nghèo
 
“Khám xong là muốn khóc”
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Hạnh bước ra trấn an chú Sáu: “Cháu chỉ bị sốt siêu vi thôi, anh đừng lo lắng, uống thuốc, truyền nước thôi từ từ sẽ khỏi”
 
Chú Sáu mình mẩy còn ướt dầm, chùi vội đôi bàn tay nứt ngang nứt dọc nắm lấy tay vị bác sĩ, liên tục nói cảm ơn. Móc từ trong túi mấy tờ tiền dính nhau sũng nước, chú Sáu tần ngần nói cho gửi tiền thuốc. Cô phụ tá cấp thuốc cười: “Bác Hạnh không lấy đâu chú, ở đây miễn phí hết cho người nghèo”. Bệnh nhân đổ vào phòng khám ngày càng đông, Sài Gòn vẫn mưa nặng hạt.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Hạnh năm nay đã 68 tuổi, từ khi nghỉ hưu, phòng mạch tư của bà tại phường 24, quận Bình Thạnh trở thành phòng khám miễn phí cho dân nghèo. Bác sĩ Hạnh thở dài: “Có nhiều bệnh nhân nghèo đến mức khám xong là muốn khóc”.
 
 
Như anh Nguyễn Thanh X. đi làm phụ hồ từ năm 14 tuổi. Có hôm mưa gió, X. trượt chân rồi bị thanh sắt tại công trường cắm vào đùi. X. rút ra rửa ráy, băng hờ lại rồi thôi. Giờ vết thương nhiễm trùng trầm trọng, X. đối diện với nguy cơ cưa hết một chân. Khi hỏi có ai là người thân không, X. chỉ nhắm mắt lắc đầu…
 
Có ông Tư làm nghề thợ lặn, sống bám vào sông được mấy mươi năm. Lâu hồi có người chết đuối bên cầu Bình Lợi, ông Tư phụ lặn tìm xác. Lúc lên bờ thấy ngứa mắt phải, dụi hoài không hết nên cứ để đó, vài năm sau thì mù hẳn một bên. 
 
Lặn nước lạnh lâu, ông Tư bị phổi, người khô khốc theo những tiếng ho khan rỉ máu. Khuyên ông Tư đi nhập viện ông Tư cười héo hắt: “Già lắm rồi, đi bệnh viện chữa hết bệnh cũng đâu sống được bao lâu nữa đâu con ơi!”. Nhìn ông Tư móm mém cười, ai cũng xót, biết ông nói vậy cho đỡ buồn chứ tiền đâu mà nhập viện…
 
Bác sĩ Hạnh hiền từ nói: “Con biết đó, người nghèo ở thành phố này nhiều vô kể, một ngày làm ra được có vài chục ngàn, nên họ đâu có dám đến bệnh viện, cứ để yên bệnh tật với hy vọng lướt lướt cho qua, mà mấy ai may mắn vậy đâu. Bệnh cứ nặng lên rồi nhiều khi mất mạng vì những bệnh vặt không đáng gì. Cô gặp nhiều lắm, thương chịu không nổi nên mở phòng khám miễn phí”.
 
Cai nghiện miễn phí
 
Mở phòng khám miễn phí, rồi thấy bệnh nhân nghèo quá không có tiền mua thuốc uống, nên bác sĩ Hạnh đem thuốc về phát không. Bệnh nhân đông, vị bác sĩ già khám bệnh luôn tay. Có khi ngồi ăn cơm trong nhà, nhìn thấy các chị nhân công tranh thủ giờ nghỉ trưa đi khám bệnh, bác sĩ Hạnh động lòng đành bỏ dở chén cơm. 
 
Bác sĩ Hạnh tâm sự: “Con của cô nó cứ nói hoài, nói mẹ lo nghỉ ngơi đi, tuổi cũng cao rồi. Mà giờ cô còn khỏe lắm, có mệt gì đâu. Cái cảm giác giúp được người ta, nó vui mừng, thanh thản lắm. Riết rồi con nó không cằn nhằn nữa, còn động viên thêm”.
 
 
Cứ như thế, hơn mười mấy năm qua, ngày nào phòng khám cũng mở cửa từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối. Dân quanh vùng ai nấy đều biết tiếng bác sĩ Hạnh. Hỏi bác sĩ Hạnh, ai cũng vui vẻ chỉ đường rồi tấm tắc: “Người đâu mà tốt dữ lắm cháu ơi!”. Chưa hết, bác sĩ Hạnh còn đi cai nghiện miễn phí cho người trong khu phố.
Hiện tại, thủ tục đưa người nghiện đi cai có phần khó khăn, bản thân người nghiện cũng chẳng mấy ai chịu cai thuốc. Tệ nạn xã hội, trộm cắp cướp giật một phần là do người nghiện.
 
Nghe vậy bác sĩ Hạnh lại cười: “Đó cũng là lý do cô đi giúp người ta cai nghiện. Nhưng thật tình, lý do chính là những cái chết do tăng liều, sốc thuốc vẫn ngày ngày diễn ra. Thấy cảnh đó cô không chịu được nên quyết tâm giúp được người nghiện phần nào đỡ phần đó”.
 
Khi người nghiện lên cơn, họ đau đớn và hung hăn chưa từng thấy. Lúc này, người nghiện không còn lý trí, cái khó của người bác sĩ không chỉ là những kiến thức y khoa, mà còn những nguy hiểm chực chờ. Vậy mà bác sĩ Hạnh bất chấp, không những điều trị miễn phí cho người nghiện, bà còn tới tận nhà, khuyên bảo họ tránh xa ma túy, làm lại cuộc đời.
 
Bác sĩ Hạnh vừa xếp lại bàn làm việc, vừa nói: “Một người nghiện hoàn lương không những là cứu chính bản thân người đó mà còn làm giảm bớt một mối nguy cho xã hội. Với lại dù có chút khó khăn, nguy hiểm nhưng chồng con của cô lúc nào cũng đồng cảm và sẻ chia. 
 
Bất kỳ chuyện gì từ mệt mỏi tinh thần đến nhiều khi thiếu thuốc cấp cứu bệnh nhân, con và chồng cô đều sẵn sàng chạy đi mua giúp. Nhờ vậy mà bao nhiêu năm qua cô vẫn trụ vững”.
 
Bác sĩ Trúc Hạnh đang đi khám và cấp thuốc miễn phí cho một chương trình từ thiện
 
Gần đến giờ đóng cửa phòng khám, phố lên đèn đã lâu mà bác sĩ Hạnh vẫn chưa dùng cơm tối. Bà lại cười: “Bình thường cô ráng giữ sức khỏe lắm. Mình phải khỏe mới giúp bệnh nhân được. Chỉ có lâu lâu bệnh nhân đông, sợ bỏ lại họ tội lắm, nên ráng làm”
 
Bác sĩ Hạnh, năm nay đã 68 tuổi mà nụ cười của bà vẫn sáng rỡ. 
 
Ở thành phố đông đúc, chật chội, đầy rẫy trộm cướp này, những câu chuyện cổ tích vẫn còn có thật…
 
 
****
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Ban chấp hành Hội Y học Tp.HCM nhiệm kỳ VIII".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến: 
Để đăng lên nhóm này, hãy gửi email đến: Bấm vào đây.
Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập: Bấm vào đây 
Để có thêm tùy chọn, hãy truy cập: Bấm vào đây